Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc điều trị tự kỷ

Xuân Hải| 05/12/2015 08:00

(HNM) - Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc và đã đạt đến những đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp, chị hiểu về sức mạnh diệu kỳ của âm nhạc đối với con người. Âm nhạc không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một phương pháp để trị liệu, đặc biệt là với trẻ tự kỷ.

Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc.


Nhiều năm kiên trì sử dụng âm nhạc để điều trị tự kỷ cho chính con trai mình, chị mong muốn sẻ chia phương pháp của mình với những bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ và giúp các cháu vượt lên nghịch cảnh. Ngôi trường Bình Minh cho nghệ thuật (Sunrise for Art school, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên của Châu Á sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ đã được ra đời, do chị làm hiệu trưởng. Chị là nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu.

Từ phép màu của âm nhạc

Nghệ sĩ Nguyệt Thu sinh năm 1973 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Hà Nội. Cha chị là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Thưởng, nhà sư phạm tài hoa, người khai sinh bộ môn viola tại Nhạc viện Hà Nội. Vì thế, từ nhỏ Nguyệt Thu đã được đắm mình trong không gian âm nhạc và sớm bộc lộ năng khiếu. Lớn lên, Nguyệt Thu theo học violon tại Nhạc viện Hà Nội và là một trong những học viên xuất sắc nhất. Bấy giờ, bộ môn viola mới được hình thành và có rất ít người theo học. Cha chị là Trưởng bộ môn luôn đau đầu tìm học trò có năng khiếu. Bởi vậy, ông đã động viên chị chuyển từ violon sang viola. Năm 1989, chị đỗ Thủ khoa Học viện Tchaicovsky (Liên Xô cũ) và theo học viola tại đó 10 năm.

Sau khi tốt nghiệp, Nguyệt Thu đã mang tiếng đàn của mình đi khắp Châu Âu. Chị gặt hái được nhiều thành công và nâng tên tuổi của mình lên tầm quốc tế. Năm 2001, chị kết hôn và sinh được một cậu con trai. Nhưng niềm hạnh phúc được làm mẹ chưa được bao lâu, chị bắt đầu cảm thấy lo âu khi con mình có gì đó không được bình thường như những đứa trẻ khác. 4 năm ròng, cháu chỉ ăn duy nhất một món và chỉ có thể ngủ khi được ôm cái gối của chính mình. Cháu cũng không thể chơi các trò chơi như các bạn và đặc biệt là sớm bộc lộ những cảm xúc khác thường. Qua tìm hiểu, chị mới nhận thấy con mình đã mắc chứng tự kỷ. Sốc, chị đã tự dằn vặt bản thân vì cho rằng do mình không quan tâm chu đáo tới con. Về sau, khi tìm hiểu và chia sẻ với các chuyên gia, chị mới biết, tự kỷ là bẩm sinh, không phải do tác động từ môi trường.

Nhớ lại những ngày tháng trước kia nuôi dạy con, chị bảo ấy là cả một cuộc vật lộn. Người mẹ trẻ vừa đi biểu diễn vì đam mê, vì cuộc sống, vừa phải chăm sóc cho đứa con không bình thường của mình. "Ở nhà cháu ít nói chuyện, rất khó ăn, hay cáu gắt vô cớ rồi đánh cả mẹ, đi học thì phá lớp, không chịu nghe giảng", chị Thu chia sẻ. Để cứu con, chị dùng đủ mọi cách, hết mang đến các trường chuyên biệt, lại đưa con từ Hà Lan, sang Malaysia, sang Singapore, vòng về Việt Nam rồi lại sang Hà Lan để chữa trị, nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Thế rồi, trong một lần đọc tài liệu nghiên cứu, chị nhận thấy trẻ tự kỷ thường có năng khiếu âm nhạc. Là nghệ sĩ, chị hiểu rất rõ sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc với con người. Thế là chị sử dụng âm nhạc để trị liệu cho con. Những bản nhạc nhẹ nhàng, với tiết tấu khoan thai, với giai điệu lặp lại như một phép màu đã khiến cho cậu con trai của chị dần dần có chuyển biến. Và đúng là mừng rơi nước mắt!

Chị Nguyệt Thu cho biết, âm nhạc nói chung tốt cho mọi người, nhưng đặc biệt hơn với trẻ tự kỷ, nó thực sự là một thứ thuốc tuyệt vời. Âm nhạc giúp trẻ giải tỏa tâm lý căng thẳng, giảm tăng động, tăng tập trung, thư giãn và cởi mở. Tuy vậy, trẻ cũng rất "kén" trong việc nghe nhạc. Nhạc dành cho trẻ tự kỷ phải là các bản nhạc nhẹ nhàng, đơn giản, du dương, bởi trẻ cần sự bình yên, lắng đọng trong tâm hồn.

... đến ngôi trường đặc biệt

"Ý định ban đầu chỉ là mở một lớp nhạc nhỏ để trị liệu cho con trai. Nhưng gặp gỡ nhiều phụ huynh cùng hoàn cảnh, mình nhận thấy phương pháp âm nhạc có thể giúp cho rất nhiều người nên lại mở rộng ra. Dự định là mở một lớp thôi nhưng lại nghĩ, các cháu học xong lớp này rồi quay về với môi trường cũ thì hóa ra bao công lao đạt được trước đó đổ xuống sông, xuống bể hết. Cho nên mình quyết định lập một trường học để bảo đảm sự lâu dài", chị Nguyệt Thu chia sẻ về ý tưởng mở trường của mình.

Sunrise for Art (SforA) là trường học lấy âm nhạc làm phương pháp chủ yếu để trị liệu tự kỷ cho trẻ. Tại đây các em được học văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, các môn vận động như bơi lội, đá bóng..., nhưng nhà trường dành nhiều thời gian cho các bộ môn năng khiếu nghệ thuật như piano, guitar, violon, thanh nhạc. Hằng ngày các em được nghe giáo viên chơi nhạc, được tự mình đánh đàn (đặc biệt là dương cầm để luyện tay), được ca hát, được dạy nhảy theo nhịp điệu và giao tiếp với bạn bè.

Chị Nguyệt Thu cho biết, âm nhạc sử dụng trong nhà trường có hai loại: Một là nhạc chung cho mọi trẻ và hai là nhạc riêng cho từng em. Thông qua việc dạy trẻ, giáo viên sẽ nắm được tình trạng, thiên hướng của từng em mà lựa chọn cho phù hợp. Những hiệu quả đạt được bước đầu rất đáng kể. Sau 3 tháng, trẻ tự kỷ tại đây đã loại bỏ được những hành vi như tự cắn vào tay, tự đập đầu vào tường, không còn lặp lại lời quảng cáo trên vô tuyến, giao tiếp nhiều hơn và đặc biệt trẻ bắt đầu biết kết bạn thể hiện qua các hành vi nắm tay nhau, chơi cùng nhau.

Không chỉ sử dụng âm nhạc để trị liệu, SforA còn mong muốn hướng nghiệp cho các em. Tại đây, ngoài dạy nhạc còn có những bộ môn như toán chuyên sâu, tiếng Anh và công nghệ thông tin (IT) để cho các em lựa chọn, tùy thuộc vào năng lực và sở thích. Là một nhánh của chương trình Bình minh cho em - chương trình cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam dành cho trẻ tự kỷ - SforA có những liên kết với các doanh nghiệp xã hội, tạo "đầu ra" cho trẻ tự kỷ sau khi các em học một nghề nào đó. "Nhiều người luôn thấy tự kỷ là khiếm khuyết mà không thấy trẻ tự kỷ có rất nhiều tiềm năng. Thực tế trẻ tự kỷ có các giác quan nhạy cảm hơn chúng ta, có nhận thức sâu sắc hơn bình thường và có những năng khiếu rất đặc biệt, về IT, nghệ thuật...

Tôi muốn bằng âm nhạc và thông qua âm nhạc, tìm kiếm và thúc đẩy các tiềm năng ấy phát triển, cho các em một cơ hội tương lai, để các em trở thành chính mình. Tôi mong muốn xã hội, thay vì ban phát tình thương, sẽ nhìn nhận và đối xử một cách công bằng với các em, bởi vì các em xứng đáng có được điều đó", chị Nguyệt Thu cho biết.

Hiện tại SforA đang có hơn 20 trẻ tự kỷ theo học theo cả mô hình nội trú và bán trú. Trong tương lai gần, chị Nguyệt Thu dự định sẽ mở rộng mô hình trị liệu bằng âm nhạc ra nhiều quận ở Hà Nội và sau đó là các tỉnh, thành trên cả nước. "Tự kỷ không phải là bệnh nhưng nếu không được hỗ trợ thì sẽ trở thành bệnh. Còn nếu được hỗ trợ đúng đắn chúng ta có thể có những thiên tài. Thực tế cho thấy có rất nhiều thiên tài là những người tự kỷ. Bởi vậy, có thể nâng đỡ một thiên tài, dẫu là một thiên tài vẫn còn chưa nở, với tôi ấy cũng đã là một niềm hạnh phúc", chị Thu chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc điều trị tự kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.