Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người con của thôn bản

Hà Trang - Bảo Hân| 28/02/2019 07:27

(HNM) - Hàng long não thân cổ thụ mấy người dang tay ôm không xuể bao năm qua vẫn đảm nhiệm... trọng trách đón khách ở độ cao trên 1.000m, ngay cổng vào Đồn Biên phòng Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).


Không gì làm khó được người chiến sĩ

Thời gian để vượt qua quãng đường núi đá quanh co gấp khúc chưa đầy 80km là gần 8 giờ đồng hồ với những khúc cua "tay áo" liên tục. Hết lên dốc, lại xuống dốc, bánh xe không bám được vào đoạn đường ngập bùn đất nên nhiều phen chết máy, bất ngờ khựng lại đến thót tim... Cả đoàn chúng tôi chỉ còn biết nhắm mắt, phó thác tất cả vào tay bác tài dạn dày kinh nghiệm.

Các chiến sĩ biên phòng kết hợp với nhà trường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các em học sinh.


Cách Đồn Biên phòng Bản Máy hơn nửa cây số là một dốc nhỏ dựng đứng. Vốn đã đi lại nhẵn con đường đất này nên Thiếu tá Phạm Văn Bằng điều khiển xe máy dễ dàng. Ngày ngày, anh vẫn thường qua lại căn nhà gỗ nơi cuối dốc để trò chuyện, động viên vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hợp, người Tày, thuộc thôn Tà Chải, đang cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Anh Hợp là người biết rõ hơn ai hết "phép màu" nào đã giúp vợ chồng anh qua khỏi cảnh túng thiếu, bố mẹ già đã gần 80 tuổi và hai con thơ sống vất vưởng, lay lắt vì đói kém triền miên. Dù hai vợ chồng đều còn trẻ nhưng sự hiểu biết hạn chế, cộng với cái đói cái nghèo kéo dài qua nhiều đời đã bít bùng hết lối ra, có chăng chỉ chừa cho họ con đường luẩn quẩn duy nhất là tiếp tục lên rẫy trồng ngô, trồng lúa. Và cái đói, cái nghèo vẫn cứ tái diễn nếu không đến một ngày, những người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã gõ cửa từng nhà, "cầm tay chỉ việc" cho bà con ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt - ngày ấy cách đây đã 3 năm.

Ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, Thượng tá Bùi Thế Lương, Chính trị viên Đồn Bản Máy trăn trở, day dứt làm sao để vực đời sống của 463 hộ dân nhưng có đến gần nửa số hộ thuộc diện nghèo nơi đây. Là người con sinh ra và lớn lên nơi địa đầu của Tổ quốc - Hà Giang nên dù địa hình có hiểm trở, phức tạp hay khí hậu có khắc nghiệt đến đâu cũng không thể "làm khó" anh. Duy chỉ có việc làm sao để nâng cao dân trí, thay đổi lối canh tác nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và tìm thêm kế sinh nhai cho bà con để họ biết giao thương buôn bán... là điều khiến anh luôn phải "đau đầu".

Gần dân, mọi khó khăn đều hóa giải

Trung tá Lục Văn Phong, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang, lại canh cánh trong lòng mối lo khác. Nhìn tờ danh sách 18 cặp nam nữ tảo hôn đã được can thiệp kịp thời trong năm 2018, chiến sĩ biên phòng tăng cường này không khỏi buồn lòng khi đồng bào Mông vẫn còn duy trì nhiều hủ tục nặng nề, thậm chí vi phạm pháp luật. Hai cái tên Lò Thị Hà, sinh năm 2004 và Lò Khái Vương, sinh năm 2006, đều ở thôn Tả Súng Chư, xã Nghĩa Thuận, được in đậm trong bản danh sách bởi họ là cặp đôi tảo hôn nhỏ tuổi nhất.

Trung tá Phong cho biết, gia đình của Hà và Vương đều nằm trong cái nghèo chung của thôn Tả Súng Chư, nơi có đến 100% hộ dân... thuộc diện nghèo. Chính vì cái nghèo, cái khó quẩn quanh bao đời nên cả hai đều bỏ học và tính đến chuyện hôn nhân.

"Với những trường hợp tảo hôn, chỉ cần mình chậm chân một chút, từ 2 đến 3 ngày sau khi nhà trai mang sính lễ đến, họ đã kéo cô dâu về thì việc thuyết phục cũng chẳng còn ý nghĩa. Những cặp tảo hôn như vậy, họ sẽ không đăng ký kết hôn được, con của họ không mang họ bố, để lại nhiều hệ lụy về sau" - Trung tá Phong nói.

Cùng gánh vác trọng trách phá bỏ những hủ tục đã hàng ngàn đời trói buộc bà con, Trung tá Lưu Trường Sơn, cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Bản Máy luôn day dứt vì cách đây nhiều năm đã không kịp thời ngăn cản một vụ kết hôn cận huyết bởi quy định pháp luật đôi khi không có sức nặng bằng những hủ tục vẫn tồn tại dưới mái nhà của người La Chí. Rồi mới đây, nếu anh không kịp thời can thiệp thì chàng trai 24 tuổi Súng Sào Sẻng thậm chí đã có thể nhận án tù vì kết hôn với cô bé Súng Thị Gì, năm đó mới tròn tuổi 13.

Thiếu tá Long Chính Phong, đồn Bản Máy, là người dân tộc La Chí. Anh luôn tự hào với "vốn liếng" riêng của mình là khả năng nói tiếng Tày. Có lẽ cũng vì thế, anh trở thành thành viên tích cực trong Đội Vận động quần chúng của Đồn. Theo tục lệ, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Mông và La Chí ăn Tết rất dài, thường qua rằm.

"Chẳng hạn, với người La Chí, họ nhất định phải ăn xong bữa cỗ vào ngày 13 tháng Giêng thì mới coi như hết Tết. Người Tày, Nùng và Mông ăn rằm muộn hơn, vào chính rằm" - Thiếu tá Phong kể chuyện.

Do đó, phải qua những ngày này, nhiều học sinh mới quay trở lại trường học. Nghe phản ánh cảnh đi học thất thường của học sinh từ các cô giáo Trường Tiểu học và THCS Bán trú Bản Máy, Thiếu tá Long Chính Phong bồn chồn như lửa đốt... Để rồi, mỗi buổi tối anh lại đến từng nhà để vận động cha mẹ nhanh chóng đưa các em tới trường.

Được biết, đến nay, Bộ đội biên phòng đã có 332 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn, trong đó 260 đồng chí giữ chức danh cấp ủy chính quyền xã; giới thiệu 1.477 đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn bản. Từ đó, vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, năng lực tổ chức điều hành của chính quyền các xã biên giới ngày càng được nâng cao, các đoàn thể hoạt động có nền nếp, từng bước phát huy được sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh ở địa phương.

Những người chiến sĩ quân hàm xanh đang làm nhiệm vụ nơi "phên giậu" của Tổ quốc, ngoài nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ an toàn từng tấc đất dọc theo đường biên dặm dài xa ngái, họ còn luôn canh cánh những mối lo. Đó là thế nào để tìm ra nhiều cách thức sáng tạo giúp bà con các vùng dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, rũ bỏ dần những hủ tục để cùng nhau giữ gìn sự bình yên cho vùng biên của Tổ quốc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người con của thôn bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.