Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến đất "vàng" vì lợi ích chung

Nguyễn Lê - Huyền Trang| 25/03/2019 07:10

(HNM) - Câu chuyện vận động nhân dân hiến đất

Hẻm 205, Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 được người dân hiến đất mở rộng lên 6m.


Hiến đất ở "hẻm nhà giàu"

Đến hẻm số 205 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 để tìm hiểu về câu chuyện hiến đất mở rộng đường, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Phạm Văn Kiên hành nghề xe ôm trong khu vực. Nói về con hẻm 205 Trần Văn Đang, ông Kiên cho hay: "Hẻm này trước đây tăm tối, rất hẹp, taxi không vào được nên bất tiện, nhất là khi ai đó bị bệnh cần cấp cứu. Gần đây, hẻm được mở rộng lên tới 6m, người dân đi lại thuận tiện. Đặc biệt, giá nhà đất ở đây vì thế cũng tăng, nên giờ người ta gọi vui là “hẻm nhà giàu”. Vui hơn, khi hẻm được mở rộng, tình trạng trộm cắp không còn; bà con không buôn bán lấn chiếm, tất cả đều có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường".

Đi về phía cuối hẻm (gần đoạn giao cắt với đường Hoàng Sa), chúng tôi gặp bà Trần Thị Lý (68 tuổi) sống tại căn nhà số 205/96 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 đang quét dọn trước cửa nhà. Khi được hỏi, bà Lý chia sẻ: “Các anh chị em trong gia đình chúng tôi đã hiến gần 180m2 đất. Vì lợi ích chung, chúng tôi đồng lòng hiến đất để đường đi lối lại được rộng rãi, khang trang hơn". Đây là câu chuyện hiếm thấy. Bởi, quận 3 là quận trung tâm của thành phố, có mặt bằng giá đất luôn ở mức rất cao. Ở nơi “tấc đất, tấc vàng”, việc làm của gia đình bà Lý rất đáng trân trọng.

Một câu chuyện khác cũng khiến chúng tôi không khỏi xúc động khi tìm hiểu về tiến trình mở rộng hẻm 205 Trần Văn Đang dài gần 300m. Đó là chuyện của gia đình ông Đào Văn Kỳ (sinh năm 1958) sống tại căn nhà số 205/98 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3. Ông có người anh ruột tên là Đào Văn Hùng (sinh năm 1944), bị bệnh bại liệt phải nằm một chỗ. Căn nhà của ông Kỳ ở cuối hẻm, rất nhỏ, không gian chỉ đủ để đặt một cái tủ, một chiếc giường - là nơi ông Đào Văn Hùng trước đây nằm dưỡng bệnh. “Sau khi anh tôi mất, tôi đã tự nguyện hiến phần đất nơi đặt chiếc giường anh tôi nằm trước đây để mở rộng đường cho bà con đi lại thuận tiện", ông Kỳ bộc bạch. Nhìn căn nhà diện tích nhỏ hẹp, ai cũng phải thầm cảm ơn ông Kỳ vì lợi ích cộng đồng mà hy sinh lợi ích riêng. Hiện ông Kỳ hiện làm ở tỉnh Bình Dương nên căn nhà thường xuyên đóng cửa. Chúng tôi hỏi vì sao ông không cho thuê?

Ông nói: “Nhà nhỏ quá nên tôi không cho thuê”.

Khi người dân đồng thuận

Quận 3 đã có chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2004. Để chủ trương này nhận được sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền quận 3 đã thực hiện nguyên tắc dựa vào sự tự nguyện của các hộ dân chứ không ép buộc. Về kinh phí, quận kêu gọi công tác xã hội hóa bởi ngân sách của địa phương không nhiều. Đến năm 2008, tại phường 11, hẻm số 195 Trần Văn Đang là hẻm đầu tiên hoàn thành dự án mở rộng đường. Trong khi đó, hẻm số 219 Trần Văn Đang dù được thực hiện mở rộng cùng với hẻm 195 nhưng đến nay mới làm được 1/2 tuyến hẻm. Điều này cho thấy, việc mở rộng hẻm không dễ dàng.

Riêng hẻm 205 Trần Văn Đang, để hoàn tất dự án mở rộng hẻm đã phải trải qua thời gian khá dài với sự bền bỉ của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 3 cho biết, hẻm số 205 Trần Văn Đang với đặc thù có hai cơ sở tôn giáo là chùa Bát Nhã và nhà thờ Giáo xứ An Phú nhưng đều tự nguyện hiến đất. “Chính hai cơ sở tôn giáo này đã tiên phong hiến đất. Chùa Bát Nhã tháo dỡ cả cổng chùa, còn Giáo xứ An Phú hiến gần 30m2 đất. Từ đó giúp lan tỏa đến bà con giáo dân và phật tử trong toàn tuyến hẻm”, ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc cho biết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc cho hay, "cũng có hộ dân vì một số lý do còn băn khoăn về việc hiến đất làm đường nên chính quyền cùng các đoàn thể đã kiên trì vận động, làm tốt công tác dân vận đến từng người trong mỗi gia đình, có khi kéo dài nhiều năm mới giúp họ thay đổi ý định".

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, "chìa khóa" làm nên sự thành công của dự án mở rộng hẻm 205 Trần Văn Đang chính nhờ tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Thực tế, một số hộ nếu hiến đất thì phải đập bỏ một phần kết cấu căn nhà nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên họ không có tiền để sửa chữa lại. Về việc này, phường vận động những hộ khá giả thừa cánh cửa, gạch, tấm tôn… thì tặng lại những hộ khó khăn cần đến. Thậm chí, có hộ khá giả không chỉ hiến đất mà còn hỗ trợ tiền cho những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhằm hiệp lực đẩy nhanh tiến độ mở rộng hẻm...

Theo UBND phường 11, quận 3, bài học xuyên suốt làm nên thành công của dự án mở rộng hẻm 205 Trần Văn Đang là sự kiên trì phối hợp của các cơ quan, đơn vị từ chính quyền đến Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ dân phố, các cơ sở tôn giáo và đặc biệt là những hộ tham gia hiến đất. “Thành công của dự án mở rộng hẻm 205 Trần Văn Đang đã giúp địa phương có nhiều kinh nghiệm quý để tiếp tục tiến hành vận động nhân dân ở những tuyến hẻm còn lại hiến đất mở rộng đường đi”, ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiến đất "vàng" vì lợi ích chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.