Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh dấu trình độ phát triển cao của y học

Hạnh Nguyên| 15/01/2019 07:24

(HNM) - Tháng 12-2018, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đã đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện ca ghép phổi.


Ca ghép lịch sử

Tháng 11-2016, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y tiếp nhận bệnh nhân là bé trai 7 tuổi Ly Chương Bình, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cháu bé ở trong tình trạng giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3 và chỉ có ghép phổi thì bệnh nhi mới có cơ hội được cứu sống. Bố và bác cháu Bình đã đồng ý cho một phần phổi của mình để ghép cho cháu bé. Điều may mắn là tất cả chỉ số của cả người cho và người nhận đều phù hợp từ 70% đến 80%.

Ca ghép do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) tiến hành. Giáo sư Đỗ Quyết cho biết, ghép phổi là một trong những ca ghép tạng rất khó vì đây là cơ quan hô hấp bảo đảm cung cấp oxy cho cơ thể. Hơn nữa, việc chăm sóc phần phổi được ghép khỏe khoắn, đủ chức năng để ghép cũng rất phức tạp vì khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao.

Ngày 21-2-2017, ca phẫu thuật đã được tiến hành thành công sau khoảng thời gian mổ kéo dài 10 tiếng. Cháu Bình được cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy phổi từ bác ruột để ghép. Ngay sau khi mổ, hai người cho được rút ống nội khí quản và phổi đã giãn nở ra hoàn toàn, không có biến chứng. Đặc biệt, cháu Bình không có biến chứng về lâm sàng cũng như không bị nhiễm trùng.

Chị Phàn Thị Tâm, mẹ cháu Ly Chương Bình cho biết, đến nay, sau gần 2 năm ghép phổi, ca phẫu thuật đã đem tới điều kỳ diệu cho cậu bé. Hiện cháu đã tăng cân, sức khỏe ổn định, đi học và sinh hoạt bình thường.

Hiệu quả đầu tư khoa học

Theo Giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, sau những ca ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép khối tụy - thận thành công, trong những năm gần đây, Học viện Quân y đã nghiên cứu triển khai ghép phổi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016, Học viện đã tích cực xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama và đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi. Tháng 11-2016, Học viện được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20). Đề tài được triển khai trong 3 năm (2016-2019) với khoản hỗ trợ 13,1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và có sự phối hợp thực hiện của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng một số chuyên gia Nhật Bản.

Tại buổi nghiệm thu đề tài nói trên, các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá rất cao những kết quả đề tài đạt được. Cùng với việc thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, đề tài đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình: Gây mê trong ghép thùy phổi từ người cho sống; kỹ thuật lấy, rửa, bảo quản phổi từ người cho sống; kỹ thuật ghép thùy phổi từ người cho sống; điều trị, chăm sóc sau ghép phổi. Đề tài được nghiệm thu sớm một năm so với kế hoạch.

Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước cho rằng, việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam đã mở ra một phương pháp mới trong điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi nặng và đưa trình độ ghép phổi của Việt Nam theo kịp thế giới, tạo dấu mốc quan trọng trong lịch sử ghép tạng của Việt Nam. Trong số 6 tạng của con người là thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột, Việt Nam đã ghép thành công thận, gan, tim, khối tụy - thận và bây giờ là ghép phổi, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên thực hiện các ca ghép đó. "Tất cả thành công trong ghép tạng đều là sản phẩm khoa học của các đề tài, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. Nếu không có sự đầu tư cho khoa học và công nghệ, chúng ta không thể có được những thành tựu này", Giáo sư Phạm Gia Khánh nhấn mạnh.

Ca ghép thùy phổi từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam đã chứng minh trình độ phát triển cao của nền y học Việt Nam bởi ghép phổi khó hơn rất nhiều so với các kỹ thuật ghép tạng đã thực hiện. Các quy trình ghép đã được xây dựng từ kết quả nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, logic, phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể chuyển giao cho các trung tâm ghép khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh dấu trình độ phát triển cao của y học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.