Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế

Thu Trang| 13/05/2019 08:24

(HNM) - Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2019.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tạo sự bình đẳng, qua đó khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Bá Hoạt


Gánh nặng không nhỏ khi thiếu BHYT

Sau khi bị tai nạn giao thông, anh Trần Đăng Lưu (sinh năm 1997, ở Thái Bình) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) trong tình trạng đa chấn thương. Do không có bảo hiểm y tế (BHYT), nên toàn bộ chi phí điều trị của anh Lưu lên tới hơn 30 triệu đồng, trong khi nếu có BHYT, anh chỉ phải chi trả khoảng 6 triệu đồng.

Tương tự, do không có thẻ BHYT, nên chị Nguyễn Thị Lơ (ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) đi khám u tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã phải chi trả khoản viện phí không nhỏ. Vì vậy, ngay sau khi ra viện, chị đã quyết định mua ngay thẻ BHYT. “Đúng là khi bị bệnh, mới thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT”, chị Lơ chia sẻ.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 người đến khám và điều trị nội trú cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, điều trị bệnh ung thư vừa tốn kém, vừa kéo dài. Hầu hết bệnh nhân không có thẻ BHYT khó có khả năng chi trả việc điều trị. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến một phần nhỏ dân số chưa tham gia BHYT, nhưng lại góp phần giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Bởi khi bệnh viện được tăng nguồn thu sẽ tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng điều trị.

Theo ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, với khoảng 80% số người bệnh điều trị tại bệnh viện đã có thẻ BHYT, việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, so với khung viện phí hiện hành, nếu không có thẻ BHYT, tự chi trả, thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính.

Bà Duy Thị Thạo, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức nhận định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND góp phần đưa giá dịch vụ y tế với đối tượng không có thẻ BHYT và đối tượng có thẻ BHYT về tiệm cận chung cùng một mức giá, nhằm tạo sự bình đẳng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Theo Nghị quyết 02/2019/ NQ-HĐND, việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Cụ thể, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng từ 0,3% đến 22% như: Ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc của bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 362.800 đồng, lên 441.000 đồng (tăng 21,6%); bệnh viện hạng I từ 335.900 đồng, lên 411.000 đồng (tăng 22,4%); bệnh viện hạng II từ 279.100 đồng, lên 314.000 đồng (tăng 12,5%)...

Thậm chí, một số dịch vụ có mức tăng cao: Nghiệm pháp hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản tăng từ 63.300, lên 92.900 đồng (tăng 46,8%); xử lý mẫu xét nghiệm độc chất tăng từ 67.200 đồng, lên 192.000 đồng (tăng 185,7%)…

Tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.


Bên cạnh đó, một số dịch vụ có mức giảm đáng kể: Ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng loại 1 từ 255.400 đồng, giảm còn 246.000 đồng; đặt nội khí quản giảm từ 1.113.000 đồng, xuống còn 564.000 đồng; nội soi dạ dày can thiệp từ 2.191.000 đồng, giảm còn 719.000 đồng; siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp xe từ 2.058.000 đồng, giảm còn 590.000 đồng…

Nếu giá dịch vụ y tế được điều chỉnh song hành với cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình. Thế nhưng, nhiều người bệnh vẫn phàn nàn khi đi khám bệnh phải chịu cảnh quá tải, chờ lâu, nhân viên y tế không nhiệt tình, chất lượng khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện chưa đồng đều… Không ít bệnh nhân cũng băn khoăn về chất lượng dịch vụ khi khám BHYT.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với nguồn kinh phí thu được từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II dành 5% mức giá; bệnh viện hạng III, hạng IV, chưa phân hạng dành 3% mức giá để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị.

Mặt khác, mua bổ sung, thay thế: Bàn, ghế, giường tủ, xe đẩy, điều hòa nhiệt độ, đèn sưởi, quạt sưởi… để bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị không được thu tiền đối với người vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức: Tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân do giá dịch vụ ngày giường đã bao gồm chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân. Không chỉ hướng tới sự bình đẳng về giá, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh để bảo đảm quyền lợi giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.