Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổ dịch nguy hiểm nhất tại Bệnh viện Bạch Mai là Công ty TNHH Trường Sinh

Thu Trang| 29/03/2020 12:54

(HNMO) - Tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra sáng 29-3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng với diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tới đây, có nguy cơ dịch lây trong cộng đồng do các trường hợp xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc và phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang vi rút nhưng không có triệu chứng lâm sàng.

60,1% ca mắc không có triệu chứng

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, báo cáo thống kê cho thấy, có tới 60,1% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng, chống... Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm mạnh như bệnh nhân 34; một số ổ dịch, như xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có 11 bệnh nhân, phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) có 4 bệnh nhân, chuyến bay VN0054 có 20 bệnh nhân, quán bar Buddha thành phố Hồ Chí Minh có 13 bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai có 16 bệnh nhân.

Để ngăn chặn dịch xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong kiểm soát, thắt chặt việc nhập cảnh, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, khoanh vùng các ổ dịch... Hiện toàn quốc đã cách ly an toàn cho hơn 34 nghìn người tại các khu vực cách ly tập trung, 943 người tại cơ sở y tế và hơn 39 nghìn người tại nhà; ngoài ra tập trung dập dịch tại các ổ dịch. Việt Nam còn 4 ổ dịch lớn đang tiến hành khoanh vùng, cách ly, trong đó có quán bar Buddha thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai với nhiều người nhiễm.

Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã triển khai nhanh nhiều biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 26-3 đến nay. Tại đây, đến nay đã lấy 6064 mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại bệnh viện. Sau đêm 27-3, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 1 nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện cách ly toàn bộ.

"Qua rà soát lại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi phát hiện ổ dịch nguy hiểm nhất tại đây là Công ty TNHH Trường Sinh, công ty phục vụ các suất ăn và bán hàng tạp hóa tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây là ổ lây nhiễm lớn và đáng quan ngại", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trích xuất camera tìm người ra vào Bệnh viện Bạch Mai

Xác định bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch nguy hiểm và phức tạp,Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bên cạnh việc khoanh vùng toàn bộ Công ty TNHH Trường Sinh, ngành y tế sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp có liện quan đến bệnh viện để có biện pháp phù hợp.

Điều mà ngành y tế lo lắng là mạng lưới những người chăm sóc bệnh nhân nội trú được các gia đình thuê chăm người nhà. Đây là mạng lưới không có tổ chức, nhưng hoạt động rộng khắp, cần phải truy cho ra và khoanh vùng thật nhanh. 

Với số bệnh nhân đã được ra viện và bệnh nhân ngoại trú, các lực lượng cũng đang truy vết, phấn đấu đêm nay sẽ hoàn thành việc này. Nhóm chuyên gia công nghệ và nhân viên y tế cũng đang phối hợp để tìm người ra vào Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày qua, kể cả trích xuất camera lấy biến số xe, bao gồm cả xe công nghệ. Tất cả những biện pháp đang triển khai nhằm mục tiêu sớm khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm nếu cần với những người đã có mặt ở Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian qua.

'Chiều nay, Bộ Y tế họp với ngành y tế các địa phương để triển khai các biện pháp cấp bách", Thứ trưởng Thường trực  Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Cả nước có 24 phòng xét nghiệm được phép công bố ca dương tính

Về vấn đề điều trị, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Việt Nam đã phân loại việc thu dung, điều trị cho người bệnh từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện tuyến cuối. Bộ Y tế đã ban hành sớm và thường xuyên cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị, đồng thời tổ chức tập huấn và thiết lập mạng lưới y tế trực tuyến tại Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện.

"Việc điều trị theo nguyên tắc phát hiện ở đâu thì khoanh vùng, điều trị tại đó. Kết quả, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 16/16 ca mắc trong giai đoạn đầu. Đến giai đoạn 2, từ ngày 16-3 cho đến nay, Việt Nam có thêm 7 bệnh nhân điều trị khỏi và được chuyển cơ sở y tế khác để tiếp tục theo dõi sức khoẻ. 51 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế đã âm tính với Covid-19, trong đó có 21 bệnh nhân âm tính lần 2. Đặc biệt, có 4 bệnh nhận nặng phải thở máy, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, đến sáng nay (29-3) tình trạng đã khả quan hơn, có bệnh nhân đã cai được thở máy", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về công tác xét nghiệm, hiện cả nước có 24 phòng xét nghiệm được phép công bố các trường hợp dương tính và các phòng xét nghiệm sàng lọc. Bộ Y tế cũng đã công bố tiêu chuẩn phòng xét nghiệm. Công suất xét nghiệm hiện đạt 8.250 mẫu/ngày. Số sinh phẩm xét nghiệm còn hơn 10.000 test và đã mua thêm 100.000 test, phân bổ vào đầu tuần tới.

Ngoài ra, Việt Nam đã mua 200.000 sinh phẩm chẩn đoán nhanh của Hàn Quốc, sẽ được đem về nước vào đầu tháng 4-2020. Bộ Y tế cũng đã tập huấn và phân bổ 20 thiết bị xét nghiệm nhanh cho các đơn vị. Tới đây, Việt Nam sẽ có thêm 20 máy xét nghiệm trong tổng số 100 máy xét nghiệm được tài trợ.

"Các thành phố lớn đang tập trung đầu tư thêm hệ thống xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm. Riêng tại Hà Nội, công suất xét nghiệm đã đạt 2.000 mẫu/ngày. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Về công tác hậu cầu, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã cơ bản bảo đảm nhu cầu trang thiết bị, thiết bị bảo hộ và các điều kiện cần thiết trong trường hợp có 3.000 ca mắc, thậm chí đang lên phương án dự phòng cho 10.000 ca mắc. Ngoài ra, hiện có 4.816 máy thở và dự kiến huy động 20% máy thở (khoảng 960 chiếc) trong tình huống dịch xảy ra trên diện rộng... Ngay cả nhu cầu về thuốc, trang thiết bị cho phòng, chống dịch cũng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã mua 30 nghìn khẩu trang y tế và 5.000 khẩu trang N95. Dự kiến, tới đây tiếp tục mua thêm khoảng 60 triệu khẩu trang y tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất thêm các loại khẩu trang, do đó sẽ cung ứng đủ, đáp ứng thị trường khẩu trang trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổ dịch nguy hiểm nhất tại Bệnh viện Bạch Mai là Công ty TNHH Trường Sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.