Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực trở thành trung tâm y tế chất lượng cao

Thu Hoài| 11/06/2020 13:29

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến việc trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của phía Nam và của cả khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, thành phố đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để đạt mục tiêu này.

Đào tạo bác sĩ việt Nam theo chuẩn châu Âu

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đầu tháng 6 này, 25 bác sĩ khóa đầu tiên (2013-2020) của Khoa Y Việt - Đức, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp tại Đức hồi cuối tháng 2-2020, đã được nhận chứng chỉ hành nghề tại Đức và châu Âu.

“Lần đầu tiên, thành phố Hồ Chí Minh có sinh viên y khoa tốt nghiệp được công nhận theo chuẩn châu Âu. Ngoài ra, hằng năm, thành phố sẽ có khoảng 20 - 25 bác sĩ được đào tạo sau đại học. Đây là lực lượng bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Những sinh viên vừa tốt nghiệp trên nằm trong lứa sinh viên y tế chất lượng cao đầu tiên trong 6 nhóm ngành được thành phố Hồ Chí Minh tập trung đào tạo theo chuẩn quốc tế, gồm: Công nghệ thông tin - Truyền thông - Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa và người máy, Y tế, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Du lịch.

Số liệu từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, qua 5 năm thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế (2016-2020), ngành Y tế thành phố đã đạt chỉ tiêu 20 bác sĩ/10.000 dân, 35 điều dưỡng/10.000 dân. Số cán bộ y tế có trình độ quốc tế tăng từ 63 lên 95 người.

Các y, bác sĩ thành phố đã làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như: Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học; nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng; kỹ thuật thông tim, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật mắt phaco, cấy điện ốc tai...

Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã hoạt động tại Cụm y tế Tân Kiên.

Đặc biệt, việc các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã cứu sống bệnh nhân số 91, được giới chuyên môn coi là một kỳ tích y khoa. Điều này một lần nữa khẳng định trình độ y, bác sĩ Việt Nam không thua kém các đồng nghiệp trên thế giới.  

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm y tế Tân Kiên

Để từng bước xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng việc đào tạo và khám chữa bệnh chất lượng cao, góp phần giảm tải các cơ sở y tế trong trung tâm thành phố và phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân 19 tỉnh phía Nam, từ năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Dự kiến, công trình sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Theo quy hoạch, Cụm y tế Tân Kiên có tổng diện tích 74ha. Cụm này được quy hoạch xây dựng theo mô hình y tế xanh, khi dành hẳn 19ha cho khu công viên, vệ sinh, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân...

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Cụm y tế Tân Kiên là nơi tập trung nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, bao gồm: Bệnh viện Nhi đồng thành phố (quy mô 1.000 giường); Bệnh viện Tai - Mũi - Họng - cơ sở 2 (quy mô 400 giường); Bệnh viện Truyền máu huyết học (quy mô 300 giường).

 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sắp được xây dựng tại Cụm y tế Tân Kiên.

Đây cũng là nơi đặt Bệnh viện Ung bướu (quy mô 1.000 giường); Viện Tim thành phố - cơ sở 2 (300 giường) và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cơ sở 2 (bệnh viện đa khoa thực hành 800 giường, trường đào tạo y khoa 4.000 sinh viên).

Ngành Y tế thành phố kỳ vọng, Cụm y tế Tân Kiên sẽ góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm y tế chất lượng cao trong khu vực, với các dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng rất hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

Tính đến tháng 6-2020, các cơ quan hữu quan đã giải phóng mặt bằng 34ha/74ha thuộc dự án. Hiện, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã đi vào hoạt động tại đây, với quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm 2020, sẽ có thêm Bệnh viện Truyền máu huyết học, Trung tâm Xét nghiệm của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đi vào hoạt động. Riêng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, quy mô 1.000 giường sẽ hoạt động từ tháng 9-2020…

Ngoài ra, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi công xây dựng Trung tâm Pháp y. Đây là công trình y tế cấp I, nhóm B, chủ đầu tư là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, với tổng mức đầu tư của dự án 495 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh đang có 110 bệnh viện công lập, tư nhân và bộ, ngành hoạt động. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi công tiếp 2 dự án bệnh viện cửa ngõ là Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; cải tạo, nâng cấp một số bệnh viện quận, huyện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực trở thành trung tâm y tế chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.