Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng

Thu Trang| 12/08/2020 15:23

(HNMO) - Ngày 12-8, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội về công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng (trong thời gian từ ngày 15-7 đến 29-7) tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.

Hiện tại, số lượng mẫu cần lấy cho người dân trên địa bàn quận Tây Hồ đi từ Đà Nẵng về là hơn 2.000. Thế nhưng, số mẫu lấy được mới chỉ là 567 mẫu (chiếm khoảng 1/4), trong đó mới có 59 mẫu có kết quả xét nghiệm. Vậy, nguyên nhân do đâu, việc xét nghiệm RT-PCR cho người dân bị chậm tiến độ?

Thiếu vật tư, công suất có hạn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào sáng 12-8, công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCT cho người dân tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ được triển khai bài bản, tuân thủ theo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Khu vực lấy mẫu được bố trí riêng biệt, khu vực ngồi chờ có bố trí ghế ngồi giãn cách cho từng người dân... Tuy bố trí đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất nhưng tại đây cũng chỉ tổ chức lấy mẫu cho người dân vào buổi sáng.

Khu vực ngồi chờ có bố trí ghế ngồi giãn cách.

Lý do được bác sĩ Lê Thị Hồng Loan, Trưởng phòng khám (Trung tâm Y tế quận Tây Hồ) cho biết, hiện số lượng mẫu cần lấy cho người dân trên địa bàn quận là hơn 2.000. Tính đến sáng 12-8, trung tâm đã lấy được 576 mẫu và mới có kết quả 59 mẫu đều âm tính. Nguyên nhân do test xét nghiệm RT-PCR được cấp còn ít.

"Hôm nay, chúng tôi được cấp 250 test, đã phân bổ về từng phường và lên kế hoạch mời đủ số lượng người, do đó chỉ triển khai trong buổi sáng là xong. Nếu được cấp số lượng test nhiều hơn, chúng tôi sẽ lên kế hoạch triển khai cả buổi chiều", bác sĩ Lê Thị Hồng Loan nói.

Cũng theo bác sĩ Lê Thị Hồng Loan, nếu được cung cấp đủ test, trung tâm sẽ làm trong 2-3 ngày là hoàn thành. Tuy nhiên, do số lượng test ít nên trung tâm phải xếp theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là ưu tiên lấy mẫu cho người có yếu tố dịch tễ và triệu chứng như: Ho, sốt, khó thở..., tiếp đến là ưu tiên người có bệnh nền, trường hợp F1... "Trong khi chờ được lấy mẫu, người dân cần tuân thủ cách ly tại nhà. Nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe cần báo ngay cho cán bộ y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm kịp thời", bác sĩ Lê Thị Hồng Loan lưu ý.

Tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện dịch Covid-19 từ Đà Nẵng đã lây lan ra 14 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Thành phố đã ghi nhận 7 trường hợp mắc Covid-19. Ngày 11-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã ghi nhận thêm một trường hợp dương tính ở Hải Dương. Qua điều tra dịch tễ bước đầu cho thấy, trường hợp này không liên quan đến Đà Nẵng. Điều đó cho thấy, tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Vấn đề quan trọng hiện nay là khi xét nghiệm phát hiện ca bệnh phải lập tức khoanh vùng, khử khuẩn, xác định các trường hợp F1, F2 và xử lý tình hình theo đúng quy định.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người dân tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.

Không riêng trên địa bàn quận Tây Hồ mà tại một số quận khác trên địa bàn Thủ đô, như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông..., công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Tính đến 12h ngày 12-8, toàn thành phố đã gửi 14.427 mẫu đến các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để tiến hành làm xét nghiệm RT-PCR nhưng mới có kết quả 11.039 mẫu đều âm tính. Thành phố triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR từ ngày 8-8 và phấn đấu trong 1 tuần hoàn thành việc xét nghiệm cho khoảng 75.000 người dân trở về từ Đà Nẵng nhưng với tốc độ như hiện nay, mục tiêu này khó có thể thực hiện được.

Về vấn đề này, theo ông Hoàng Đức Hạnh, hiện nay, số lượng vật tư (ống dung môi, que lấy mẫu...) cũng có hạn, cơ sở sản xuất không đáp ứng đủ. Thêm vào đó, hiện các đơn vị của Bộ Y tế đã cố gắng để hỗ trợ Hà Nội, như: Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xét nghiệm 40.000 mẫu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hỗ trợ 10.000 mẫu, Bệnh viện Nhi trung ương hỗ trợ 10.000 mẫu và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hỗ trợ 10.000 mẫu. Thế nhưng, hiện công suất xét nghiệm của Bệnh viện Nhi trung ương cũng chỉ đạt 500 mẫu/ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đạt 1.000 mẫu/ngày... Do đó, các đơn vị này không thể tiếp nhận một lúc vài chục nghìn mẫu và trả lời kết quả ngay được.

Huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm

Để tăng tốc triển khai xét nghiệm RT-PCR cho người dân Thủ đô, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã làm việc với Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về mua sắm, bổ sung vật tư phục vụ xét nghiệm RT-PCR. Theo đánh giá, khả năng cung cấp các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm là khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có một điều đáng mừng là, hiện nay, một số bệnh viện ngoài công lập, một số doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ vật tư, thiết bị sinh phẩm y tế phục vụ công tác xét nghiệm cho ngành Y tế Thủ đô. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn cho Hà Nội, bổ sung lượng mẫu xét nghiệm đang còn thiếu hiện nay, bảo đảm cho thành phố đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân.

Các đơn vị đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tại các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần phải bố trí cán bộ trực đường dây nóng 24/24h. Cán bộ y tế trực đường dây nóng phải là người có chuyên môn, kiến thức để giải thích cho người dân hiểu về các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19. Đặc biệt, cán bộ y tế cần tư vấn cho người dân có yếu tố dịch tễ, đi về từ vùng có dịch, tiếp xúc với người bệnh, nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền để người dân từ Đà Nẵng trở về tự giác thực hiện cách ly tại nhà theo hướng dẫn; phải hạn chế tối đa việc tụ tập nơi đông người, không đi ra ngoài tiếp xúc với nhiều người nhằm hạn chế lây lan dịch.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, người dân nếu không biết cách bảo vệ bản thân và cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, với những trường hợp trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc với người mắc cần tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly. Khi người dân nâng cao ý thức, dịch lây lan chậm, được kiểm soát tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.