Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng giải pháp cho thanh toán số

Việt Nga| 11/03/2019 07:28

(HNM) - Đẩy mạnh thanh toán số vốn đang là xu thế, đồng thời là một trong những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019...

Viettel đang triển khai thanh toán phí đỗ xe ô tô qua điện thoại di động - dịch vụ iParking. Ảnh: Thủy Tiên


Giao dịch không dùng tiền mặt chỉ đạt 4,9%

Theo Ngân hàng Thế giới (báo cáo công bố tháng 7-2018), Việt Nam có lượng giao dịch không dùng tiền mặt thấp nhất ở khu vực, chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 59,7%, Malaysia 89%. Trong số tỷ lệ ít ỏi thực hiện thanh toán số, thì đa phần người dân vẫn sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ, qua tài khoản ngân hàng. Nhưng, có một thực tế là hiện cả nước mới có 59% người dân có tài khoản ngân hàng; ở khu vực nông thôn có 60% số dân chưa có tài khoản ngân hàng; cùng với đó mạng lưới ngân hàng mới "phủ sóng" 30-40% dân số...

Từ đó có thể thấy, thanh toán điện tử hiện nay ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo thì hầu như chưa có sự hiện diện.

Do vậy, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 9-2018, lãnh đạo Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép các nhà mạng được thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money). Cùng với đó, lãnh đạo các tập đoàn viễn thông cũng lần lượt kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp viễn thông được triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán số.

Trong đó, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) kiến nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia phát triển thanh toán số (gồm các dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ - Mobile Money).

Còn Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng đề xuất, VNPT muốn triển khai dịch vụ Mobile Money và đã sẵn sàng về vốn để triển khai dịch vụ này. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2019 diễn ra tháng 1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép nhà mạng thí điểm việc dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ.

Cũng cần lưu ý thêm, việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng dịch vụ giá trị nhỏ được áp dụng rộng rãi ở một số nước ở khu vực châu Á, châu Phi. Trong đó, việc ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như thanh toán trên các trang thương mại điện tử, thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, phí đỗ xe và các giao dịch có giá trị nhỏ khác như dịch vụ truyền hình, game... Ước tính, tỷ lệ giao dịch tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần việc sử dụng tài khoản ngân hàng.

Nhà mạng đã sẵn sàng

Có thể thấy, trong khi hệ thống các ngân hàng chưa thể mở rộng tới các điểm ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thì đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ, thúc đẩy cho thanh toán số.

Sở dĩ như vậy là vì các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đang nắm các công nghệ mới nhất, lại có thế mạnh về hạ tầng viễn thông hiện đại với mạng 2G, 3G, 4G và sắp tới là 5G giúp người dân có thể kết nối mọi lúc mọi nơi.

Thứ hai, dựa trên hạ tầng công nghệ, các nhà mạng này sở hữu lượng khách hàng cả chục triệu người, thực hiện kết nối đến từng hộ gia đình, từng cá nhân.

Thứ ba, nhà mạng đã xây dựng được kênh phân phối đến từng thôn, xóm, bản... ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thực tế, từ nhiều năm nay các nhà mạng trong nước đã tham gia thị trường thanh toán điện tử, giữ vai trò là các trung gian thanh toán. Chẳng hạn, Viettel có các dịch vụ BankPlus, gần đây là Viettel Pay, VNPT có ví điện tử VNPT Pay. Ngoài ra, việc sử dụng tài khoản di động để thanh toán đã được áp dụng cho các chương trình quyên góp từ thiện, thanh toán phí đỗ ô tô tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nói về việc sẵn sàng triển khai giải pháp Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, VNPT đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền cấp phép triển khai dịch vụ. Trong đó, ngoài việc sẵn sàng về hạ tầng mạng lưới, nhà mạng còn phải chứng minh sự sẵn sàng về công nghệ (gồm cả mạng lõi trong công nghệ cho ngân hàng - core banking) và sự sẵn sàng trong bảo đảm an toàn khi cung cấp dịch vụ. Cùng với sự chuẩn bị về hạ tầng mạng lưới, VNPT cũng đề xuất hạn mức thanh toán dịch vụ Mobile Money ở mức 30 triệu đồng/tháng.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel), việc các nhà mạng trong nước đã xây dựng được hơn 5 triệu khách hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử (chuyển tiền điện tử, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện thoại, điện, nước, truyền hình, vay tiêu dùng, bảo hiểm...) trên điện thoại di động. Trong đó, đạt hơn 25 triệu giao dịch/tháng, với 39.000 tỷ đồng/tháng.

“Bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, chúng tôi có thể triển khai các giải pháp thanh toán số như đã đóng góp trong việc phổ cập dịch vụ viễn thông cho toàn dân” - ông Phạm Trung Kiên khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng giải pháp cho thanh toán số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.