Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ cấu lại thị trường chứng khoán: Để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng

Hà Linh| 21/03/2019 06:32

(HNM) - Không chỉ là kênh đầu tư hấp dẫn với giới đầu tư trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng. Bởi vậy, cơ cấu lại thị trường chứng khoán nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế là cần thiết.

Các nhà đầu tư theo dõi phiên giao dịch cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp


Thị trường hồi phục, nhưng còn thiếu ổn định

Hơn 10 năm qua, thị trường chứng khoán đã trải qua không ít thăng trầm để đứng vững như ngày hôm nay. Sau nhiều năm ở ngưỡng thấp, thị trường chứng khoán đã lần lượt vượt qua mốc quan trọng như 1.000 điểm, 1.100 điểm, thậm chí là 1.200 điểm. Có thời điểm, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới.

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2018 chứng kiến tình trạng biến động mạnh nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, sau những phiên có chút "bấp bênh" của năm 2018 do nhiều thông tin không mấy lạc quan từ nền kinh tế thế giới, bước sang năm 2019, thị trường chứng khoán đã ghi những dấu ấn khi chinh phục lại ngưỡng 1.000 điểm, rồi chạm đến 1.010 điểm. Chỉ số VN-Index đã cho thấy sự hồi phục của thị trường chứng khoán.

Bà Phạm Thị Huệ (số nhà 3, ngõ 52 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ) - một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho rằng: "Thị trường chứng khoán “lạc nhịp” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 11 năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã thực sự trở lại, bởi đây vẫn là kênh đầu tư tốt hiện nay. Nếu nền kinh tế tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao và nội lực các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được củng cố, nguồn vốn đổ vào thị trường chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay. Để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cần một cuộc tái cơ cấu, nhằm minh bạch hóa thị trường để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, thị trường cần có nguồn cung đa dạng hơn, từ cổ phiếu đến trái phiếu".

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện nay, đầu tư chứng khoán chủ yếu là cá nhân, đầu tư tổ chức vẫn rất ít nên thị trường thiếu ổn định. Thêm nữa, việc thị trường chỉ có một vài sản phẩm phái sinh, nếu có biến cố, rủi ro sẽ rất lớn.

Tái cơ cấu để phát triển ổn định, thực chất hơn

Thị trường chứng khoán sẽ được tái cơ cấu để thêm sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Khuê Diệp


Đã đến lúc thị trường chứng khoán cần công cuộc tái cơ cấu toàn diện. Việc tái cơ cấu không phải vì thị trường chứng khoán yếu kém, mà thị trường cần những giải pháp để phát triển ổn định và bền vững hơn, nhằm thu hút nhiều hơn nữa giới đầu tư trong và nước ngoài.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn, với tổng vốn hóa trên thị trường đạt tới gần 4 triệu tỷ đồng trong năm 2018, có thời điểm, vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 60,8% GDP và tương đương chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đối với tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu thị trường chứng khoán, cần thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, đi vào thực chất hơn. Một điểm nữa, cần tăng cường khung pháp lý cũng như năng lực bộ máy để làm tốt hơn vai trò giám sát đối với thị trường tài chính. Giám sát hệ thống tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đặc biệt là những rủi ro hệ thống. Riêng với thị trường chứng khoán, cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các nhà đầu tư.

Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết cho việc tái cơ cấu thị trường, ngày 28-2-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, mục tiêu chung là để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017, số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, trong nước và nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết: "Cùng với 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), HOSE đang triển khai dự án công nghệ thông tin hiện đại với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Dự án này đã được HOSE tính từ khá lâu, hiện đã hoàn tất giai đoạn thiết kế. Chúng tôi đang đốc thúc sự hợp tác của các bên để có thể đưa vào hoạt động trong tháng 8-2019. Hệ thống mới sẽ mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường. Nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán sẽ là người thụ hưởng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại thị trường chứng khoán: Để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.