Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá thực phẩm toàn cầu ở mức cao kỷ lục trong năm 2022: Cần sớm tìm giải pháp "hạ nhiệt"

Hoàng Linh| 09/01/2023 07:36

(HNM) - Bệnh dịch, xung đột và lạm phát trên toàn cầu đã gây ra hàng loạt khó khăn trong sản xuất và vận chuyển lương thực, khiến giá thành thực phẩm tới tay người dân tăng cao chưa từng thấy. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc phải sớm có những giải pháp "hạ nhiệt" trong bối cảnh hàng loạt dự báo vẫn tỏ ra bi quan về tương lai.

Dòng chảy lương thực toàn cầu đang bị bóp nghẹt ở mọi khía cạnh, tạo ra tình trạng khó khăn chưa từng thấy.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), mặc dù giá thực phẩm trên toàn thế giới đã giảm tháng thứ chín liên tiếp vào tháng 12-2022, song tính chung cả năm vừa qua, chỉ số giá lương thực toàn cầu vẫn chạm ngưỡng cao kỷ lục. Báo cáo ghi nhận, chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm còn 132,4 điểm trong tháng 12, thấp hơn 1,9% so với tháng trước đó, tức thấp hơn 1% so với tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ số này trong cả năm 2022 lại tăng 14,3% so với 2021, chạm mức cao kỷ lục 143,7 điểm.

Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg, mức tăng giá theo tháng của thực phẩm thế giới đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3-2022, thời điểm xung đột tại Ukraine bùng nổ và bắt đầu “tàn phá” các chuỗi cung ứng lương thực. Ukraine là nhà cung cấp lớn bột mì và dầu ăn cho thế giới, trong khi Nga có thế mạnh về xuất khẩu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chiến sự còn khiến các cảng tại Ukraine bị đóng cửa, dù đây là nơi chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch buôn bán ngũ cốc toàn cầu.

Chiến sự leo thang còn khiến nông dân Ukraine phải cắt giảm mạnh diện tích trồng trọt. Lượng lúa mì do Ukraine xuất đi đã giảm 5 triệu tấn, trong khi ngô giảm 12,5 triệu tấn so với ước tính. Những thách thức trong vận chuyển hàng hóa và tài chính, phần lớn do các lệnh cấm vận, cũng đang ảnh hưởng đến năng lực cung ứng của Nga...

Dĩ nhiên, khó khăn không chỉ tập trung quanh "rốn" xung đột. Nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những hệ quả gián tiếp, khi giá năng lượng và phân bón cao dẫn tới tăng chi phí sản xuất và vận tải lương thực. Biến đổi khí hậu cũng “đổ dầu vào lửa” khi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ mới đây đã khiến hàng triệu gia súc chết ở vùng Sừng châu Phi; còn tình trạng ấm lên toàn cầu đẩy một số nơi, đặc biệt là Trung Đông, vào nguy cơ mất an ninh lương thực. Ước tính, cước phí vận chuyển lương thực giữa các quốc gia trong năm 2022 đã lên tới 2.000 tỷ USD, tăng khoảng 33% so với trước dịch Covid-19.

Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương liên tiếp nâng lãi suất và chính sách kiềm chế lạm phát khiến nguồn tài chính nhập khẩu lương thực của một số quốc gia gặp khó. Lãi suất cho vay tăng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, khó khăn tiếp cận lương thực đè nặng lên nhu cầu sinh tồn của người dân, đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi. Hiện, toàn cầu có khoảng 770 triệu người, tương đương 10% dân số, đang trong tình trạng thiếu đói. Hơn 3 tỷ người không đủ khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Để ứng phó, một số quốc gia đã ngừng nhập khẩu, tìm kiếm nhà cung cấp mới hoặc giải phóng bớt các kho dự trữ trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đó không phải là giải pháp lâu dài, nhất là khi khó khăn được nhận định sẽ còn tiếp diễn vào mùa vụ năm 2023. Sản lượng lúa mì của Ukraine năm nay ước tính có thể giảm ít nhất 20%, trong khi sản xuất của Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thách thức nhập khẩu đầu vào. Khó khăn tài chính tiếp tục kìm hãm những chương trình hỗ trợ nhân đạo, càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra nạn đói.

Trước những tiên liệu nhiều mảng xám, giờ là lúc cộng đồng quốc tế cần điều chỉnh để không chỉ giúp gia tăng sản lượng, mà còn đa dạng hóa các kênh cung ứng, nhằm khơi thông dòng chảy lương thực sớm nhất, qua đó hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng có thể vượt tầm kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá thực phẩm toàn cầu ở mức cao kỷ lục trong năm 2022: Cần sớm tìm giải pháp "hạ nhiệt"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.