Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Liều thuốc'' miễn dịch của thế giới

Minh Hiếu| 29/05/2020 06:37

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi, hàng tỷ USD đã được chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, đã xuất hiện lo ngại rằng những khoản đầu tư lớn, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ cùng lợi nhuận khổng lồ có thể sẽ trở thành rào cản ngăn chặn việc phân bổ công bằng vắc xin đến mọi người, đặc biệt là người dân ở các nước nghèo. Do vậy, việc mọi người dân trên thế giới được tiếp cận bình đẳng với vắc xin đang là yêu cầu đặt ra.

Nhiều quốc gia tích cực hỗ trợ nguồn lực cho công tác nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19.

Những lo ngại về khả năng tiếp cận nhanh chóng đối với các loại vắc xin tiềm năng một lần nữa nổi lên sau khi Giám đốc điều hành Paul Hudson của Tập đoàn Dược phẩm Sanofi (có trụ sở tại Pháp) tuyên bố, Mỹ sẽ được ưu tiên nhận vắc xin ngừa Covid-19 và có quyền đặt hàng trước với số lượng lớn nhất nếu hãng này bào chế thành công bởi xứ Cờ hoa đã đầu tư vào quá trình nghiên cứu.

Tuyên bố ban đầu của hãng dược lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo các quốc gia châu Âu và thế giới. Sau đó, Tập đoàn Dược phẩm Sanofi phải thay đổi quan điểm và khẳng định mọi quốc gia đều có khả năng tiếp cận vắc xin mà hãng tìm ra. Thông điệp phát đi từ Phủ Tổng thống Pháp khẳng định, vắc xin ngừa Covid-19 không liên quan đến yếu tố thị trường và không quốc gia nào được quyền ưu tiên.

Người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Francesco Rocca cho rằng, nếu coi vắc xin là sở hữu trí tuệ và công ty sáng chế đẩy giá lên cao thì việc tiếp cận sẽ trở nên rất khó khăn, tạo ra tác động tiêu cực cho các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Trong khi đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc ngày 27-5 nhận định, chính vấn đề bản quyền đang gây cản trở quá trình phát triển và cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.

Theo Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry, có một số điều khoản trong các công cụ pháp lý ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia cho phép bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp, đồng thời bày tỏ tin tưởng các chính phủ sẽ sử dụng hợp lý những quy định này để bảo đảm mọi người được tiếp cận công bằng với bất kỳ loại vắc xin nào được phát triển.

Hiện các chính phủ đã bước đầu có những cam kết trong việc phân phối vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay, các lãnh đạo thế giới đã tuyên bố chi tổng cộng hơn 8 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho một dự án toàn cầu để phát triển các loại vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. Tuần trước, hơn 140 nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia đã ký vào bức thư kêu gọi cung cấp miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả cho tất cả người dân trên thế giới. Điều này cũng được áp dụng đối với mọi phương pháp điều trị, chẩn đoán cũng như các công nghệ khác liên quan tới dịch bệnh này. Với sự ủng hộ áp đảo, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua một nghị quyết về ứng phó với đại dịch Covid-19 và bảo đảm quyền tiếp cận của người dân toàn cầu với vắc xin và thuốc điều trị trong tương lai.

Vắc xin cùng phương pháp điều trị Covid-19 phải được coi là “hàng hóa chung toàn cầu” và sự tiếp cận bình đẳng là "liều thuốc" quan trọng nhất để toàn thế giới miễn dịch. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định như vậy khi kêu gọi tiếp tục thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu, phát triển và phân phối vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 tới mọi người dân với giá cả hợp lý.

Theo quan chức Liên hợp quốc, "không ai an toàn nếu tất cả chúng ta chưa an toàn". Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 không phải là cuộc đọ sức giữa các quốc gia hay các hãng dược phẩm mà phải là cuộc chạy đua với dịch bệnh vì mục tiêu cùng nhau vượt qua thách thức y tế nghiêm trọng của nhân loại này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Liều thuốc'' miễn dịch của thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.