Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cục diện khó đoán định

Quỳnh Dương| 03/11/2020 05:28

(HNMO) - Hôm nay, ngày 3-11, cuộc bầu cử Mỹ chính thức diễn ra. Theo dự kiến của nhà chức trách, có khoảng 150 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu – con số cao nhất trong hơn 100 năm qua. Điều này phần nào phản ánh mức độ gay cấn trong cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên của đảng Cộng hòa – Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Cho đến những phút cuối cùng của chiến dịch tranh cử, cục diện giữa hai bên vẫn chưa thể đoán định.

Nhiều cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm.

Cuộc bầu cử lần này của Mỹ được đánh giá là có nhiều điểm mới do tác động của dịch Covid-19. Nhiều người dân ở xứ Cờ hoa, vốn quen đi bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bầu cử những năm trước đây, nay phải thay đổi bằng cách bỏ phiếu sớm hoặc gửi qua đường bưu điện. Theo thống kê, hầu hết các bang ở Mỹ đã có số phiếu bầu cử sớm. Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump đích thân đi bỏ phiếu tại Florida ngày 24-10, còn ứng cử viên Joe Biden đi bỏ phiếu tại Delaware, cũng đã kích hoạt làn sóng bỏ phiếu sớm tại 2 bang này.

Theo số liệu của Dự án bầu cử Mỹ, tính tới cuối ngày 2-11, đã có 93.297.208 triệu phiếu bầu sớm được gửi đi, trong đó hơn 50% là phiếu gửi qua đường bưu điện. Hiện đảng Dân chủ đang dẫn trước đảng Cộng hòa về tỷ lệ phiếu bầu sớm tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng. Còn đa số cử tri đảng Cộng hòa lại muốn đi bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố về khả năng gian lận khi bỏ phiếu qua đường bưu điện. 

Con số phiếu bầu sớm cao kỷ lục trong lịch sử, bao gồm cả số phiếu bầu trực tiếp và gửi qua bưu điện, đã trở thành một yếu tố khiến việc dự đoán kết quả cuộc bầu cử năm nay, đặc biệt tại các bang "chiến địa" có tính quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, trở nên khó khăn. Ngoài ra, số lượng phiếu qua thư quá lớn trong khi quá trình kiểm phiếu phụ thuộc vào các quy tắc đặt ra bởi các bang khác nhau có thể khiến thời điểm công bố kết quả bầu cử năm nay có thể sẽ lâu hơn những lần trước, vì hầu hết các bang sẽ không bắt đầu kiểm đếm cho đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Mới đây, bang Pennsylvania thông báo sẽ chỉ tính những phiếu bầu nhận được trước 20h (giờ địa phương) vào ngày bầu cử, còn bang California thì nhận mọi phiếu bầu miễn là chúng được đóng dấu bưu điện vào ngày đó, ngay cả khi chúng đến muộn hơn vài tuần. 

Theo các nhà phân tích, có khoảng 10-15 bang trong tổng số 50 bang của nước Mỹ đóng vai trò quyết định ai sẽ là người thắng cuộc. Những bang “chiến địa” của cả hai đảng năm nay cũng giống như cách đây 4 năm, bao gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania. Đây đều là những bang từng giúp ông Donald Trump giành chiến thắng bất ngờ năm 2016. Thời điểm đó, nếu nhìn vào kết quả thăm dò dư luận sát ngày bầu cử thì ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ luôn là người dẫn trước với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo ở những bang này. Tuy nhiên, cuối cùng bà Hillary lại không giành được phiếu đại cử tri cũng ở chính những bang này và thất cử dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn so với đối thủ. Ngoài ra, một số bang "chiến địa" lớn khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định ứng cử viên nào sẽ thắng cử như Florida. 

Cuộc bầu cử năm 2020 cũng có thêm những điểm khác biệt so với 4 năm trước. Đó là cử tri đi bỏ phiếu đặc biệt tăng cao ở một số bang vốn không được coi là "chiến địa" lớn như bang Montana hay Tennessee. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể sẽ có kết quả đột biến ở những bang ít ngờ tới. Ngoài ra, các cử tri da màu cũng xuất hiện với số lượng lớn hơn ở những bang quan trọng như Georgia và Carolina Bắc, cùng sự gia tăng đáng kể các cử tri trẻ, cử tri mới cũng như các cử tri không theo đảng phái nào.

Với quá nhiều yếu tố mới cùng với tương quan lực lượng “kẻ tám lạng, người nửa cân”, nhiều nhà bình luận cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ kịch tính đến phút chót.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cục diện khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.