Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để trẻ không ''chìm đắm'' với truyện ngôn tình

Nguyễn Quốc Vương| 01/08/2021 05:10

(HNMCT) - Khi còn dạy học, vào giờ ra chơi tôi thường thấy học sinh đọc các cuốn sách có bìa minh họa rất bắt mắt. Khi tôi hỏi “Các em đọc sách gì vậy?” thì học sinh cất ngay sách vào ngăn bàn rồi lúng túng trả lời: “Sách vớ vẩn ấy thầy ơi. Thầy đừng xem”. Sau đó tôi mới biết, rất nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, thích đọc “truyện ngôn tình”.

Truyện ngôn tình không xấu nhưng cần có sự lựa chọn kỹ để tránh những nội dung dễ dãi, không phù hợp lứa tuổi.

Truyện ngôn tình là gì?

Khi tôi hỏi như trên, đa số phụ huynh trả lời rất mơ hồ “là truyện trai gái lăng nhăng”. Trên trang web quantrimang.com, tôi thấy một định nghĩa: “Truyện ngôn tình có thể hiểu đơn giản là truyện tình cảm, tiểu thuyết lãng mạn về tình yêu nam nữ. Thuật ngữ ngôn tình vốn xuất phát từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào nước ta khoảng năm 2006 và phát triển cho tới nay. Nội dung truyện ngôn tình rất đa dạng, có thể kể về câu chuyện tình cảm thời xưa, hiện đại với nhiều giai đoạn khác nhau”. Có người lại diễn giải: “Truyện ngôn tình là một loại tiểu thuyết tình cảm bắt nguồn từ Trung Quốc. Chúng ta có thể hiểu theo một cách đơn giản nhất, truyện ngôn tình chính là một loại truyện, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, sến súa, hài, nhẹ nhàng... Nội dung của các câu truyện ngôn tình rất đa dạng và phong phú, có thể là một câu chuyện thời xưa, thời hiện đại, thần tiên hoặc là một thế giới huyền huyễn, huyễn hoặc, thậm chí là cả xuyên không về thời cổ đại...”.

Như vậy, cho dù là cách hiểu nào thì truyện ngôn tình chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu, tình cảm nam - nữ hoặc cả mối quan hệ đồng tính.

Thanh, thiếu niên có nên đọc truyện ngôn tình?

Thật ra, truyện ngôn tình là một khái niệm có nội hàm khá rộng, nó có thể bao hàm cả những tác phẩm văn chương vốn được xếp vào danh mục khác... Vì  vậy, nếu kết luận rằng cần phải cấm xuất bản và cấm đọc truyện ngôn tình sẽ là vội vàng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc thử những cuốn sách mà học sinh đọc nói trên thì quả thật sẽ có nhiều cuốn, nhiều trang khiến người lớn chúng ta lo sợ. Ở đó mô tả một cách sống sượng, trần trụi về những mối tình tay ba, tay tư, cảnh ân ái đồng tính, dị tính. Tất nhiên, lưỡi kéo biên tập và kiểm duyệt đã cắt đi nhiều đoạn “nóng bỏng” nhưng các đoạn đó lại xuất hiện ở trên mạng ở dạng “bản đầy đủ” và bạn đọc ở độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận.

Đối với người dưới 18 tuổi, khi chưa có đủ trải nghiệm cuộc sống và năng lực tự chịu trách nhiệm, những cuốn sách khai thác quá độ các yếu tố về giới tính, tình dục có thể tác động đến quan niệm thẩm mỹ và nhân sinh quan. Tác động tiêu cực này có thể thấy rõ hơn ở những trẻ chỉ đọc duy nhất thể loại ngôn tình mà không hề đọc các thể loại sách khác. Hơn nữa, dưới 18 là độ tuổi đang học phổ thông, học tập là công việc số một của trẻ. Do đó, sách mà trẻ đọc cần phong phú, trải rộng các lĩnh vực để trẻ có được nền tảng kiến thức cơ bản và bổ sung kiến thức khoa học. Nếu ở độ tuổi này mà đắm chìm vào sách giải trí quá nhiều sẽ dẫn đến sự mất cân đối về tri thức nền tảng, gây khó khăn trong giao tiếp và công việc sau này.

Nỗ lực đọc sách cùng con

Phụ huynh, giáo viên cần quan tâm tới việc đọc của trẻ từ nhỏ, để trẻ có thói quen đọc sách và có nền tảng văn hóa cơ bản. Trẻ đọc phong phú từ sớm thì sẽ có óc phê phán, có bộ lọc tốt để từ đó chọn những cuốn sách giá trị cho mình.

Thay vì cấm học sinh đọc ngôn tình thuần túy, giáo viên cần chủ động tiến hành các hoạt động khuyến đọc ngay trong chính giờ dạy của mình bằng cách đưa ra các yêu cầu học sinh đọc sách để giải quyết bài tập, bài kiểm tra, thảo luận. Giáo viên cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ đọc sách và giới thiệu cho học sinh những cuốn sách hay về các chủ đề mà học sinh quan tâm như tình bạn, tình yêu.

Cha mẹ, thầy cô cũng cần nỗ lực đọc sách cùng với con em mình. Người lớn không thể gây được ảnh hưởng tới trẻ em nếu đứng ngoài thế giới của trẻ. Đối với các cuốn sách có nội dung, chi tiết không phù hợp, cần giải thích cho học sinh hiểu là “không cấm” nhưng hiện tại chưa thích hợp. Cách tiếp cận mềm mỏng, khoan dung, tôn trọng nhu cầu đọc sách của học sinh và hướng học sinh tới các cuốn sách hay có cùng chủ đề sẽ có hiệu quả hơn các biện pháp cấm đoán cực đoan và cứng rắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để trẻ không ''chìm đắm'' với truyện ngôn tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.