Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi nhiều nội dung Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế

An Nhi| 23/08/2019 13:43

(HNMO) – Nhiều ý kiến hữu ích, phù hợp với thực tế, có tính khả thi đã được các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh đóng góp tại hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc, diễn ra ngày 23-8, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, qua 12 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý, đem lại nhiều bước tiến cho điện ảnh nước nhà như: Thu hút, khuyến khích được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực hoạt động điện ảnh; đưa tác phẩm điện ảnh đến phục vụ mọi đối tượng công chúng, đưa điện ảnh Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy quốc tế…

 Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế, đạc biệt là các quy định về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động, vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh… chưa được quy định đầy đủ và chưa có chế tài xử lý.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 48 điều quy định những vấn đề chung; sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; quản lý nhà nước về điện ảnh.

Luật mới nếu được thông qua sẽ tác động đến sự phát triển điện ảnh ở nhiều nội dung, như: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh qua việc bãi bỏ các nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim; mở rộng nhóm đề tài và thay đổi phương thức của Nhà nước đặt hàng sản xuất phim, tạo cơ hội cho các dự án mới tham gia; quy định số buổi chiếu phim đối với mỗi phòng chiếu và tỷ lệ chiếu phim Việt Nam để giúp phim Việt Nam có điều kiện phát triển và đến gần với khán giả; quy định lưu chiểu, lưu trữ phim chặt chẽ hơn...

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh, các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Phim Việt Nam, đơn vị sản xuất phim, văn nghệ sĩ đã góp ý về các thuật ngữ trong dự thảo luật, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, các chính sách ưu đãi đối với các nhà sản xuất phim Việt Nam, chính sách đào tạo người làm điện ảnh; bổ sung, hoàn thiện một số nội dung trong dự thảo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi nhiều nội dung Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.