Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội chữ Xuân Canh Tý 2020: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Thanh Thủy| 19/01/2020 07:30

(HNM) - Đã thành thông lệ, sau Tết ông Công, ông Táo, Hội chữ Xuân lại được tổ chức tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi nuôi dưỡng, lan tỏa truyền thống hiếu học cũng như các giá trị văn hóa lâu đời của đất nước. Với chủ đề “Thành Đức”, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020, khai mạc ngày 18-1 (tức 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) hướng tới mục đích tôn vinh, quảng bá ý nghĩa “rèn đức” đi đôi với “luyện tài” trong nền giáo dục xưa và nay của dân tộc.

Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 diễn ra tại khu vực Hồ Văn thuộc Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẵn sàng đón người dân và du khách dịp đầu xuân năm mới. Ảnh: Quang Thái

“Thành Đức” để “Đạt Tài”

Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thu hút sự tham gia của đông đảo thư pháp gia nổi tiếng cũng như “ông đồ” trẻ biết yêu và trân trọng những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước. Họ đến từ nhiều câu lạc bộ thư pháp của Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh... Đến với “sân chơi” uy tín và ý nghĩa như Hội chữ Xuân Canh Tý, nhiều người trong số họ đã phải trải qua các kỳ sát hạch do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam tổ chức từ nhiều tháng trước. Cùng với đó là các nhà thư pháp nổi tiếng, được Ban Tổ chức Hội chữ Xuân mời đích danh, các thư pháp gia uy tín có tác phẩm trưng bày trong triển lãm thư pháp “Thành Đức”.

Đặc biệt, Hội chữ Xuân năm nay tiếp tục đánh dấu sự trở lại của Tiến sĩ, Thư pháp gia Cung Khắc Lược, một trong “tứ trụ” thư pháp của Việt Nam cùng các nhà thư pháp nổi tiếng khác, như các cụ: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Đức Lợi... Theo Tiến sĩ, Thư pháp gia Cung Khắc Lược, Hội chữ Xuân tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những sự kiện văn hóa truyền thống, được tổ chức bài bản và quy củ, ngày càng khẳng định được giá trị.

Đề cập đến chủ đề của Hội chữ Xuân Canh Tý 2020, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Thành Đức” bắt nguồn từ tên một chiếc cổng tại di tích, mang ý nghĩa “Thành Đức” để “Đạt Tài” trong truyền thống giáo dục khoa cử của người Việt. Với mục tiêu này, bên cạnh việc cho chữ, các ông đồ cần giới thiệu giá trị, ý nghĩa của tục cho chữ và chủ đề hội chữ; giải thích cặn kẽ, thấu đáo mỗi chữ viết, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp cho công chúng.

Không những vậy, trước giờ khai hội, Ban Tổ chức cũng đã thông báo cụ thể với các nhà thư pháp về quy định tham gia hội chữ, như: Đeo thẻ suốt thời gian tham gia viết chữ; không lấn chiếm hay di chuyển vị trí đã được quy hoạch... “Bất cứ vi phạm nào cũng sẽ bị đình chỉ tại chỗ, “treo bút” vĩnh viễn. Quyết định cứng rắn này, nhằm bảo toàn nguyên vẹn ý nghĩa tốt đẹp của tục cho chữ đầu xuân, giữ gìn mỹ quan, không gian văn minh cho Hội chữ Xuân”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc

So với những năm trước, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 tạo ấn tượng mạnh mẽ từ những đổi mới, góp phần tăng thêm sức hút cho một trong những sự kiện xuân đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Đó là, ngoài khu vực sân khấu trung tâm, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, các chương trình diễn xướng nghệ thuật dân gian và trình diễn thư pháp, Hội chữ Xuân còn có những không gian dành riêng cho triển lãm nghệ thuật thư pháp mang chủ đề “Thành Đức”; không gian trải nghiệm trò chơi ngày Tết như kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê...

Đặc biệt, xen kẽ trong các không gian cho chữ, vui chơi, trải nghiệm... là rất nhiều tiểu cảnh mô phỏng trường thi, với đầy đủ lều chõng, tháp canh, nhà thập đạo…; những không gian nghệ thuật sắp đặt gợi nhớ khung cảnh nông thôn Bắc Bộ từ chợ quê, ngày mùa... đến niềm vui náo nức “vinh quy bái tổ”. Tất cả đã và đang mang đến cho công chúng và du khách những cảm xúc đẹp về truyền thống văn hóa của dân tộc. Chị Lê Xuân Hòa (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Hội chữ Xuân luôn là điểm đến quen thuộc của gia đình tôi dịp đầu xuân mới. Đến đây, chúng tôi được hòa mình vào không khí Tết cổ truyền với những hoạt động truyền thống, nhiều ý nghĩa, ghi nhớ những hình ảnh đã làm nên giá trị, tinh hoa của đất nước”.

Là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, tục cho chữ đầu xuân mang ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đề cao trí tuệ, hiền tài. Hội chữ Xuân được tổ chức thường niên tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với mong muốn tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc. Ngay sau thời khắc khai hội, lượng người đổ về trung tâm Hội chữ Xuân mỗi lúc một đông. Các nhà thư pháp cũng đã tề tựu đông đủ, sẵn sàng bút, nghiên, giấy, mực… phục vụ công chúng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, Hội chữ Xuân tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khẳng định được thương hiệu, trở thành “sân chơi” bổ ích, điểm đến ấn tượng, nơi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thư pháp cũng như các giá trị văn hóa lâu đời khác. Để phát huy hiệu quả điều này, bên cạnh nỗ lực của Ban Tổ chức, Hội chữ Xuân còn cần đến tấm lòng của người tham gia, góp phần nêu cao ý thức giữ gìn cảnh quan, ứng xử văn hóa trong không gian di sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội chữ Xuân Canh Tý 2020: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.