Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở lối cho nghệ thuật chèo tiếp cận giới trẻ

An Nhi| 15/11/2020 06:21

(HNM) - Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, nhưng đang dần bị chìm khuất bởi các hình thức giải trí hiện đại. Để giữ gìn môn nghệ thuật này bền lâu, bảo tồn cho thế hệ sau, cần có nhiều sáng kiến và hành động thiết thực, mở lối cho chèo tiếp cận và được yêu thích trong cộng đồng, nhất là giới trẻ - những người nắm giữ tương lai của nghệ thuật truyền thống.

Một buổi trải nghiệm nghệ thuật chèo với các nghệ sĩ, nghệ nhân do nhóm “Chèo 48h” thực hiện tại Hà Nội. Ảnh: Việt Nga

Nỗ lực thu hút người trẻ

Hơn 6 năm qua, căn nhà trong con ngõ nhỏ trên phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội) trở thành địa chỉ quen thuộc để các bạn trẻ nhóm "Chèo 48h" đưa môn nghệ thuật này đến những người đồng trang lứa. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, "Chèo 48h" nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, như Nhà hát Chèo Việt Nam, Quỹ Văn hóa Hà Nội, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững… và các Nghệ sĩ nhân dân: Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình, Thúy Ngần, Nguyễn Tuấn Kha, Lê Tuấn Cường...

Là người sáng lập, đồng thời điều hành nhóm "Chèo 48h", chị Đinh Thị Thảo chia sẻ, hoạt động chính của nhóm là mở các lớp trải nghiệm và thực hành nghệ thuật chèo. Hiện tại, nhóm có các lớp học trải nghiệm chèo, xẩm, chầu văn cho học sinh, sinh viên và cả đối tượng mầm non. Mỗi khóa học thu hút hàng trăm người quan tâm và tham gia. “Khi đã hiểu và yêu nghệ thuật chèo, tự các bạn trẻ sẽ là sứ giả lan tỏa tình yêu đó trong cộng đồng. Từ những lớp học của chúng tôi, đã có rất nhiều học viên mở rộng các dự án liên quan đến chèo, nhiều sinh viên chọn thực hiện khóa luận liên quan đến môn nghệ thuật này”, chị Đinh Thị Thảo cho hay. 

Với hình thức tương tự, “Tôi xê dịch” - dự án của các bạn sinh viên yêu văn hóa truyền thống ở Hà Nội đã nỗ lực đưa nghệ thuật dân tộc, trong đó có chèo đến với người trẻ nhiều năm nay, thông qua việc tổ chức các tour trải nghiệm và biểu diễn nghệ thuật cùng nghệ sĩ, nghệ nhân. Dự án này cũng thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên và rất nhiều trong số đó đã trở thành người quảng bá tích cực cho nghệ thuật chèo.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nếu không tiếp cận với khán giả hiện nay, không tạo được sự yêu thích cho họ, thì nghệ thuật chèo sẽ dần mai một. Bởi vậy, Nhà hát Chèo Việt Nam quan tâm đào tạo nghệ sĩ trẻ, mở sân khấu nhỏ cho họ biểu diễn. Những nghệ sĩ này sẽ tạo sự tươi mới cho sân khấu, dễ hấp dẫn khán giả trẻ hơn. Ngoài ra, nhà hát thường xuyên tổ chức thi hát chèo trực tuyến để phát hiện và bồi dưỡng tài năng cũng như tạo sân chơi cho người yêu chèo… Cùng với đó, Nhà hát Chèo Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật chèo tích cực phối hợp với các tổ chức, dự án hoạt động cộng đồng của những người trẻ để đưa chèo đến nhiều khán giả mới.

Thêm sáng kiến, thêm lan tỏa

Trong đời sống ngày nay, nghệ thuật chèo bị cạnh tranh mạnh bởi các hình thức giải trí hiện đại. Vì vậy, nếu các đơn vị, tổ chức không đổi mới hoạt động, không có những sáng kiến hấp dẫn thì khó có thể cuốn hút người trẻ.

Mới đây, trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam do Trường Đại học Việt Nhật, Cộng đồng nhà giáo dục khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam, nhóm "Chèo 48h" tổ chức chương trình “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia. Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, những người trẻ luôn dồi dào năng lượng sáng tạo, nên có thể đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để nghệ thuật chèo lan tỏa.

Là nhà thiết kế đồ họa tại Hà Nội, bạn trẻ Ngô Tùng nêu ý tưởng, có thể làm những phim hoạt hình ngắn để giới thiệu về nghệ thuật chèo truyền thống. Những hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động cùng lời giới thiệu, giọng hát chuẩn mực từ các nghệ nhân sẽ thu hút các bạn trẻ. Phim sẽ phổ biến hơn nếu được đưa lên mạng xã hội, nơi có nhiều người trẻ tham gia, như Facebook, TikTok, Zalo…

Cùng ý tưởng, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Phạm Khánh Linh chia sẻ, để nghệ thuật chèo trở nên quen thuộc, gần gũi, cần liên kết với các đơn vị để thương mại hóa hình ảnh của chèo. “Chúng ta có thể kết hợp với các thương hiệu thời trang Việt để cho ra mắt những sản phẩm mang hình ảnh nhân vật tiêu biểu từ phim hoạt hình, điện ảnh về chèo”, Phạm Khánh Linh đề xuất.

Ngoài ra, việc truyền đạt kiến thức về chèo cho giới trẻ sẽ thuận lợi hơn khi lồng ghép trong các chương trình trải nghiệm văn hóa dân gian, trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật hay mời nghệ sĩ có ảnh hưởng quảng bá, giới thiệu về chèo…

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan nhận định, chèo là bộ môn thuần Việt, tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam. Trong thẳm sâu mỗi người Việt đều ẩn chứa tình yêu với chèo, chỉ cần cảm hứng và năng lượng để kích hoạt. Những sáng kiến, ý tưởng mới của các bạn trẻ rất khả thi, cần sớm ứng dụng trong đời sống để khơi dậy tình yêu và ý thức giữ gìn nghệ thuật chèo trong giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lối cho nghệ thuật chèo tiếp cận giới trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.