Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải quyết triệt để việc khai man, làm giả hồ sơ người có công

Nguyên Hoa| 24/12/2013 06:45

(HNM) - Đã có không ít đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quy định của Nhà nước để làm giả, khai man hồ sơ nhằm trục lợi trợ cấp.



Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh, chăm sóc, đã có không ít đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quy định của Nhà nước để làm giả, khai man hồ sơ nhằm trục lợi trợ cấp.

Người có công luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên.


Phát hiện nhiều sai sót

Theo Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH, các năm 2012-2013, qua thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC, đã phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách NCC và nhiều trường hợp giả mạo hồ sơ, nhất là đối với những hồ sơ không còn hồ sơ gốc, hồ sơ tồn đọng. Hồ sơ giả của các đối tượng đã được chuyển đến cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý theo quy định; đã có 48 đối tượng bị đưa ra xét xử, 196 đối tượng đang trong quá trình điều tra. Trong phạm vi toàn quốc, từ năm 2008 đến 2013 có hơn 7.000 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp do không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Các trường hợp thường dễ xảy ra sai sót trong quá trình xác lập là hồ sơ để hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Những dạng sai sót chủ yếu được phát hiện là: Giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát - một trong những điều kiện để được giám định thương tật; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ… Đối với hồ sơ của đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học, giả mạo hồ sơ y tế như: Bệnh án giả, đối tượng không thực hiện quá trình điều trị bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo danh mục bệnh tật quy định tại Quyết định 09/2008/QĐ-TTg; giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động…

Khắc phục kẽ hở

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội Nguyễn Toàn Khang cho biết, sau khi Hà Nội mở rộng, trong quá trình rà soát đối tượng NCC (từ năm 2008 đến năm 2013), thành phố đã phát hiện trong số 600 hồ sơ thương binh, bệnh binh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về, có 50 hồ sơ giả, chiếm tỷ lệ gần 10%. Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đã dừng việc chi trả trợ cấp cho 50 trường hợp này, bên cạnh đó, sở đã tự kiểm tra đối với những hồ sơ chưa đúng quy định, kết quả đã ra văn bản tạm dừng việc hưởng chế độ chính sách đối với 300 trường hợp. Theo ông Nguyễn Toàn Khang, sai sót này trước hết xuất phát từ sự nể nang, tình làng nghĩa xóm của những người làm công tác giám định tại cơ sở và chính quyền xã, phường cũng là mắt xích quan trọng trong việc thẩm định và thanh tra hồ sơ. Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định Hoàng Văn Trọng chia sẻ: "Công nghệ làm giả hồ sơ hiện nay rất tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận hồ sơ, vì vậy vai trò của cơ sở rất quan trọng. Ngay tại địa bàn tỉnh Nam Định, vì chính quyền cơ sở chưa thực hiện đúng chức năng của mình nhưng chúng tôi đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có đối tượng hằng tháng vẫn được nhận trợ cấp dù người được hưởng trợ cấp đã mất cách đây 16 năm".

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong năm 2014 và năm 2015 để phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm. Bộ Trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: "Hiện tại, Bộ đang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý trách nhiệm của những người gây ra sai phạm theo đúng quy định của pháp luật". Mặt khác, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục khắc phục những sơ hở trong việc lập và quản lý hồ sơ. Cụ thể là kiến nghị Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH thực hiện chương trình phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về xác nhận thương binh do cơ quan quân đội thực hiện từ quý IV-2013 đến quý IV-2016 tại các quân khu; chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở trong quản lý hồ sơ, xác nhận thương binh. Bộ Y tế sớm ban hành văn bản quy định danh mục bệnh tật, dị tật, dị dạng do nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn, quy định về tiêu chuẩn thương tật, bệnh tật, dị dạng, dị tật, tổ chức khám, giám định đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ… Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng. Có như vậy mới lấy lại được công bằng và làm ấm lòng những người đã xả thân vì Tổ quốc.

Tại 13 địa phương mà Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH kiểm tra, đã phát hiện 609 hồ sơ có sai sót và 331 hồ sơ giả di chuyển chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam để hưởng chế độ. Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 10 tỷ đồng chi trả trợ cấp cho đối tượng không đúng quy định. Ngoài ra, tất cả các đối tượng giả mạo hồ sơ đã bị đình chỉ trợ cấp; tổng số tiền đối tượng đã chiếm hưởng trái pháp luật hơn 14 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng; kiến nghị đình chỉ trợ cấp 263 đối tượng, tạm đình chỉ trợ cấp 346 đối tượng để kiểm tra xác minh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải quyết triệt để việc khai man, làm giả hồ sơ người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.