Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động hơn để vượt qua thách thức mới

Minh Quang| 15/12/2018 07:33

(HNM) - Hôm nay, 15-12, Hội Nhà báo TP Hà Nội - “ngôi nhà chung” của những người làm báo Thủ đô kỷ niệm 30 năm thành lập.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng (thứ hai từ phải qua) cùng hội viên tham gia chuyến đi thực tế tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai (Hà Nội) tháng 5-2018.



Chủ động phát huy vai trò

Trong hành trình 30 năm phát triển, Hội Nhà báo TP Hà Nội luôn chủ động phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong suốt quá trình hoạt động. Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy) tổ chức cho hội viên tham gia các buổi học nghị quyết, nghe thông tin các vấn đề thời sự để nâng cao nhận thức chính trị, kịp thời nắm rõ chủ trương, định hướng công tác tuyên truyền. Hằng năm, Hội thường tổ chức 2-3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và chủ động liên hệ để hội viên đi thực tế viết bài ở cơ sở. Việc tập huấn Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng được thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy đến nay, không có hội viên của Hội bị xử lý hình sự vì vi phạm các quy định, nguyên tắc liên quan đến đạo đức nghề nghiệp…

Cũng nhờ chủ động nên Hội tổ chức thành công cuộc thi viết về gương Người tốt - Việc tốt từ năm 1994, để đến bây giờ trở thành cuộc thi lớn của làng báo Thủ đô. Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố - TP Hà Nội do Hội xây dựng cũng đã sang tuổi thứ 24, là một trong những giải báo chí địa phương có uy tín, truyền thống nhất cả nước. Từ các tác phẩm đoạt Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố - TP Hà Nội, báo chí Thủ đô đã nhiều lần được vinh danh ở Giải báo chí toàn quốc, sau này được nâng cấp thành Giải báo chí quốc gia.
Ngay Hội khỏe Hội Nhà báo TP Hà Nội được tổ chức từ năm 1995 và sau này mở rộng đến các cơ quan báo chí trên địa bàn và các tỉnh, thành bạn cũng được xem là thành quả của sự chủ động trong việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên. Nhiều Hội Nhà báo khu vực phía Bắc đã học tập, tổ chức hoạt động tương tự. Rồi hoạt động xã hội từ thiện của Hội cũng được đẩy mạnh từ cấp Hội đến các Chi hội trực thuộc, ủng hộ hàng tỷ đồng mỗi năm cho các đối tượng chính sách, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, lũ lụt… Điều đó cho thấy sự phát triển toàn diện Hội cũng như báo giới Thủ đô.

Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán nhìn nhận: “30 năm qua, Hội Nhà báo thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đồng hành cùng các hoạt động của Đảng và đất nước, trong đó có TP Hà Nội; các chương trình hoạt động lớn của Hội Nhà báo Việt Nam… Ngoài ra, Hội cũng luôn chủ động mang đến cơ hội nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, bản lĩnh làm báo, nắm bắt kịp xu thế làm báo hiện đại trong thời buổi bùng nổ các hình thức truyền thông, rồi cơ hội giao lưu cho các hội viên để xứng đáng là ngôi nhà chung của báo giới Thủ đô”.

Đối mặt thách thức bằng cách đi riêng

30 năm qua với nhiều thành quả nhưng trước mắt cũng là những công việc phải thực hiện ngay để Hội Nhà báo thành phố đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng "vẫn cần làm chất lượng hơn những phần việc đã làm tốt như nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức làm báo, tổ chức đi thực tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên... Ngoài ra, Hội phải có định hướng để các thành viên đứng vững, phát huy vai trò trong sự bùng nổ của các hình thức truyền thông khác hiện nay".

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội: “Bài toán với các cơ quan báo chí truyền thống ở Hà Nội không chỉ là cập nhật xu hướng công nghệ làm báo hiện đại, tạo các nguồn thu mới, mà còn phải đấu tranh với thông tin sai trái, xuyên tạc những thành quả, việc làm, quyết sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội. Đấu tranh, định hướng dư luận trong dòng chảy phức tạp của mạng xã hội không đơn giản nếu không có nhận thức và cách làm đúng của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Nhà báo thành phố”.

Thực tế đã chỉ ra rằng, sự phát triển của mạng xã hội cũng mang đến những cơ hội mới cho làng báo truyền thống từ hỗ trợ quảng cáo, tạo dựng mối quan hệ giữa tờ báo với độc giả, thúc đẩy quá trình làm mới mình của các cơ quan báo chí… Vấn đề là phải tận dụng được những tiện ích của mạng xã hội để phục vụ mình, không coi mạng xã hội là kẻ thù của báo chí truyền thống mà là một phần không thể tách rời trong quá trình làm báo hiện đại. Đương nhiên đi đôi với đó cũng cần phải có giải pháp ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Trong một hội thảo gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định: “Làm báo phải có đạo đức, báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, nhưng có thể thắng bằng sự tin cậy của thông tin”. Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội Tô Quang Phán cũng khẳng định, các cơ quan báo chí Hà Nội phải có cách đi riêng để khẳng định thế mạnh của mình, để bạn đọc, người xem luôn tìm đến. Cách đi ấy không gì khác ngoài sự bảo đảm độ chân thực, sâu sắc của thông tin. Tờ báo còn có thể tương tác với chính người đọc bằng mạng xã hội để làm rõ hơn vai trò định hướng dư luận của mình.

Vì thế, khâu định hướng cho các thành viên của Hội Nhà báo thành phố càng trở nên quan trọng. Hội sẽ phải chủ động hơn nữa để đứng vững, vượt qua những thách thức từ sự bùng nổ các hình thức truyền thông khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động hơn để vượt qua thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.