Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay bồi đắp lối sống đẹp

Nguyễn Thanh| 10/03/2019 08:03

(HNM) - Đạo đức xã hội có những hành vi, biểu hiện xuống cấp đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không ít vụ việc báo động cho tình trạng này đã và đang làm “nóng” từ nghị trường đến đời sống cộng đồng.

Vì đâu nên nỗi?

Đầu tháng 1-2019, một nhóm thanh niên vô cớ trêu ghẹo, hành hung một phụ nữ ở quận Hoàng Mai đến mức phải nhập viện. Trước đó, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khi người nhà bệnh nhân ngang nhiên xông vào hành hung bác sĩ. Dù sau đó, các đối tượng đã bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng dư âm của vụ việc vẫn khiến nhiều người lo lắng, trăn trở trước những biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa, đạo đức, lối sống.

Việc thực hiện tốt hai Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ những việc làm hay, hành động đẹp từ công sở tới cộng đồng. Ảnh: Viết Thành


Nhìn rộng ra nhiều địa phương, không khó để điểm qua những vụ việc liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội như: Thản nhiên “hôi của” khi người khác gặp nạn ở Hòa Bình; gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La; học sinh đánh thầy giáo đến nhập viện ở Bình Định… Chưa kể, hàng loạt vụ việc xâm hại trẻ em; những vụ bơm, tẩm hóa chất vào thực phẩm, tuồn hàng giả, hàng nhái vào thị trường không đếm xuể…

Trong buổi trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 (ngày 13-11-2018, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội tăng 3,9%. Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 trẻ bị xâm hại được phát hiện, trong đó hơn 60% là những vụ xâm hại tình dục.

Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhận xét: "Chưa bao giờ, vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội lại “nóng” như bây giờ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Sự thay đổi của hệ giá trị văn hóa; chủ nghĩa cá nhân, sùng bái vật chất, lãng quên giá trị tinh thần…".

Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực còn có những hệ lụy đi kèm. Cụ thể, không ít thông tin phản cảm, chưa kiểm chứng, tin xấu được đăng tải trên Facebook, Youtube đã ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí làm lệch lạc tư duy, nhận thức, suy giảm niềm tin của một bộ phận người dân.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong nhiều giải pháp, Bộ đặc biệt quan tâm tăng cường, phối hợp liên ngành, kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, tổ chức, đoàn thể, xã hội nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng đạo đức, lối sống đẹp trong cộng đồng...

Cùng với đó, Bộ tập trung đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thể chế văn hóa; phát huy sứ mệnh văn học, nghệ thuật qua những tác phẩm, chương trình chất lượng cao, hướng con người tới chân - thiện - mỹ...

Tại Hà Nội, rõ nhất là hiệu quả từ việc triển khai Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, từ Chương trình 04-CTr/TU, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đã được các cấp, ngành thành phố quan tâm; công nghiệp văn hóa từng bước được định hình ở cấp độ mới.

Đặc biệt, sự ra đời và đi vào cuộc sống của Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ những việc làm hay, hành động đẹp từ công sở tới cộng đồng.

Tại cuộc giao ban giữa Chính phủ với Khối văn hóa, thể thao và du lịch ngày 7-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong năm 2019 là tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ trước những hành vi thiếu văn hóa, phản văn hóa, từ đó thay đổi nhận thức của người dân, dần hình thành thói quen tốt. Các bộ cần cùng vào cuộc xây dựng văn hóa; hình thành những bộ tiêu chí về ứng xử văn hóa cụ thể tại các điểm du lịch, cơ sở tôn giáo, trong cơ quan, công sở, công xưởng; đặc biệt là vấn đề văn hóa của người Việt Nam khi đi du lịch và lao động ở nước ngoài. Trong đó, Bộ Nội vụ cần tập trung xây dựng Đề án văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2019 (tháng 1-2019), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động xây dựng các quy tắc mang tính nghi lễ, thái độ ứng xử sao cho đúng văn hóa, truyền thống, kết hợp với hiện đại từ những việc nhỏ nhất.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan truyền thông cần tích cực phản ánh cái tốt, lên án những hiện tượng thiếu văn hóa, thiếu đạo đức để định hướng lối sống chuẩn mực. Trong đó, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội không chỉ là tuyên truyền, vận động mà còn cần có sự nêu gương, khích lệ từ những người xung quanh, từ đó khơi dậy ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nhân lên những giá trị tốt đẹp. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bồi đắp lối sống đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.