Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm

Sơn Tùng| 31/03/2019 07:21

(HNM) - Để giải quyết vi phạm về kinh doanh, buôn bán, giết hại động vật hoang dã, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Trong những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực này, qua đó góp phần không nhỏ vào nỗ lực bảo vệ các loài động vật quý hiếm, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tuyên truyền cho học sinh về bảo vệ động vật hoang dã.


Có trụ sở nằm trên địa bàn xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập từ năm 1996. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước được Nhà nước thành lập thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2)…

Trong những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã có nhiều công văn đề nghị và chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể với các trường học, đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; giúp người dân nhận biết và không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, các sản phẩm của chúng, góp phần giảm thiểu thực trạng buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

Bằng tình thương và trách nhiệm, những năm qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận, bảo vệ, chăm sóc động vật hoang dã. Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cho biết, nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã đang có chiều hướng gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước nạn tuyệt chủng, dẫn đến suy thoái nguồn đa dạng sinh học. Do đó, để ngăn chặn vấn nạn này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Năm 2016, trung tâm chọn các trường THCS, THPT trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn để thí điểm công tác tuyên truyền. Từ đó đến nay, mỗi năm có hàng chục nghìn lượt học sinh, giáo viên… biết đến các hoạt động ngăn chặn buôn bán, xâm hại động vật hoang dã. Ngoài ra, mỗi năm trung tâm đã in hàng chục nghìn tờ rơi phát tận tay các em học sinh kết hợp với in panô khổ lớn gắn tại các trường học với nội dung tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ các loài động vật hoang dã…

Tuy nhiên, hiện nay việc tuyên truyền về chống buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn thành phố mới chỉ chú trọng đến nhóm đối tượng, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Trong cộng đồng dân cư, thông tin mới dừng lại ở các panô, áp phích, tờ rơi… Do vậy, cần sớm đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã vào cuộc vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới ở cơ sở; đưa nội dung bảo vệ môi trường thiên nhiên vào các quy ước, hương ước tại các địa phương, cơ sở. Tiến tới, Hà Nội sớm hình thành các trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học đủ quy mô, số lượng, vừa làm công tác bảo tồn, vừa là nơi tham quan, tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã.

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng: Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng các chương trình truyền thông về tác hại của việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn nữa. Đơn cử, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về vấn đề này trên các báo, đài, tiến tới công khai những cá nhân, cửa hàng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và có những hình thức xử lý thích đáng. Mặt khác, trung tâm không ngừng tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về trách nhiệm, ý thức bảo vệ động vật hoang dã; đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giảm thiểu vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.