Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” hội trường vì đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu

Bảo Hân| 12/06/2019 17:10

(HNMO) - Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 12-6 về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra trong không khí sôi nổi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận.


Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đến cuối giờ chiều, vẫn còn 54 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu. 

Trong 7 phút được nêu ý kiến, các đại biểu đã tập trung nêu quan điểm, ý kiến đóng góp về nhiều nội dung quan trọng được nêu trong dự thảo luật.

Cần quy định cụ thể về làm thêm giờ

Là người đầu tiên trong danh sách 76 đại biểu đăng ký thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)đưa ra cách nhìn về bản chất của quy định mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).


“Quy định này có vẻ như quan tâm đến lợi ích của người lao động và đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động trong những lúc cần thiết, cấp bách, hoàn trả đơn hàng. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất, nếu đặt ra vấn đề làm thêm giờ thì đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội”, đại biểu Quyết Tâm nhìn nhận.

Đại biểu đặt câu hỏi, trong một năm người lao động làm thêm đến 400 giờ thì họ còn có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, để có thể phục vụ cho nhu cầu khác như học tập, giải trí, chăm lo cho gia đình, con cái…?

“Có những công nhân hàng chục năm không về quê. Con cái họ sinh ra nhưng không chăm sóc được, phải gửi về quê nhờ bố mẹ chăm thì thử hỏi còn chuyện gì xót xa hơn? Người công nhân cần làm thêm để có thêm thu nhập, vì đồng lương của họ so với mọi trang trải cuộc sống còn quá eo hẹp, thiếu thốn. Nhưng hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm không thì họ không có nhu cầu này”, đại biểu tiếp tục nêu.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội nên đưa chính sách vào bộ luật để quan tâm đến người lao động theo cách ưu việt, thỏa đáng hơn, giúp cải thiện thu nhập mà vẫn có thời gian để họ nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.

Với người sử dụng lao động, nếu cần thiết phải thỏa thuận làm thêm giờ thì phải trả tiền lương theo cách tính lũy tiến để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Bày tỏ sự không nhất trí với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trong dự án bộ luật, người lao động được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội).


Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định rõ với một số nghề nghiệp liên quan đến tính mạng con người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay...  có thể không cho tăng thêm giờ, thậm chí có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ để bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.


“Xã hội hiện nay có trường hợp không muốn tăng thêm giờ nhưng vẫn phải làm thêm giờ. Đó là câu chuyện 400.000 cán bộ y tế”, đại biểu Tuấn nêu.

Đại biểu cho biết, một cán bộ y tế trong 1 tháng làm thêm khoảng 80 giờ, mỗi năm khoảng 1.000 giờ. Với đơn vị thiếu người, đơn vị công lập có bác sĩ ra ngoài làm tư nhân nhiều thì thời gian làm thêm có thể tăng từ 1.500 đến 2.000 giờ. Giờ làm thêm nhiều, nhưng theo phản ánh của đại biểu, tiền trực lại quá thấp. Cụ thể, với cán bộ y tế trực suốt ngày đêm tại các đơn vị y tế loại 1 sẽ được chi trả 115.000 đồng và tại đơn vị loại 2 là 95.000 đồng. Số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo lao động.

Cùng kiến nghị người sử dụng lao động phải trả lương lũy tiến trong khung giờ làm thêm, đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) kiến nghị các mức tăng lương cụ thể như sau: Trong ngày làm việc bình thường, tiền lương trả trong 2 giờ đầu làm việc phải bằng ít nhất 150% mức lương cơ bản, trong 1 giờ tiếp theo sẽ tăng thêm 20%, giờ tiếp theo nữa tăng 30%...; người lao động làm thêm trong ngày nghỉ được trả bằng 300% và ngày lễ tết bằng 400%.

Theo đại biểu, quy định trả lương như vậy sẽ hạn chế người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm.

Cân nhắc quy định tăng tuổi nghỉ hưu

Tranh luận với ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, vấn đề này cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhất là lao động phổ thông, cán bộ, công chức, viên chức…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).


Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho người trẻ. “Nên quy định tuổi nghỉ hưu với nữ là 58, nam là 62 tuổi. Đây là nguyện vọng của không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”, đại biểu nêu.


Với những đối tượng sắp đến tuổi hưu theo luật hiện hành mà năng suất làm việc không cao, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” nhưng vẫn ở mức “hoàn thành nhiệm vụ”, lại không muốn nghỉ hưu, chờ đúng tuổi mới chịu nghỉ theo dự thảo bộ luật thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được cho nghỉ hưu để ưu tiên vị trí việc làm đó cho tuổi trẻ nhiệt huyết, có năng lực đảm đương nhiệm vụ.

Về trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian nghỉ hưu, đại biểu Hòa cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định nhưng không nên quá 65 tuổi với cả nam và nữ.

“Đánh giá về đề xuất tăng tuổi hưu, một số chuyên gia tiền lương nhận định, nếu không tăng sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội nhưng nếu tăng thì có là gánh nặng cho ngân sách nhà nước hay không vì lương của nhiều người được tăng tuổi nghỉ hưu nằm ở mức cao trong thang bảng lương”, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang)phát biểu.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị xin ý kiến nhân dân về nội dung này. Ngoài ra, ban soạn thảo cần đánh giá tác động về lực lượng lao động; cơ cấu lao động; chế độ hưu trí; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; thể lực, trí lực và ý chí nguyện vọng của người lao động để làm căn cứ cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Đề cập việc tăng tuổi nghỉ hưu với nữ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Bắc Giang)nêu lợi thế là mức lương hưu của lao động nữ sẽ được cải thiện tốt hơn. Thực tế hiện nay, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, lương hưu trung bình của phụ nữ chỉ chiếm khoảng 84% so với lương hưu nam giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Bắc Giang).


Tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tác động tích cực đến việc phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng cũng như quy trình về công tác cán bộ khác...

“Sau khi thực hiện xong thiên chức làm mẹ thì cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch của nhiều phụ nữ bị hạn chế đáng kể. Thời gian vừa qua đã có nhiều ví dụ thực tế cho thấy phụ nữ chịu thiệt thòi trên con đường thăng tiến do quy định của tuổi nghỉ hưu”, đại biểu nêu thực tiễn.

Đồng thời với việc tăng tuổi hưu, nữ đại biểu Đoàn Bắc Giang cũng ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm. Theo đó, việc quy định về quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số những nhóm lao động đặc thù là rất cần thiết.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu rà soát, đưa ra các căn cứ khoa học, thực tiễn về các ngành nghề hoặc các đối tượng lao động đặc thù nào cần được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và thấp hơn là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về lao động, an sinh xã hội một cách tổng thể và cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo ra sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và giải trình làm rõ nhiều nội dung quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” hội trường vì đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.