Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm ANTT tại khu vực nông thôn Hà Nội: Làm tốt việc phòng ngừa từ cơ sở

Tiến Thành| 26/10/2019 06:21

(HNM) - Thời gian gần đây, các vụ việc gây mất an ninh, trật tự tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng một cách đáng báo động. Để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, giữ vững an ninh, trật tự tại khu vực nông thôn của Thủ đô, giải pháp trọng tâm là cần chủ động làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở.

Công an xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) triển khai kế hoạch giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt

Mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân diễn biến phức tạp

Theo Công an thành phố Hà Nội, chỉ từ ngày 14-8-2019 đến 13-10-2019, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 17 vụ giết người làm 19 người chết. Trong đó, những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng nhất chủ yếu xảy ra tại địa bàn nông thôn. Điển hình như ngày 1-9, Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966) đã truy sát cả gia đình người em ruột ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) khiến 4 người chết, 1 người bị thương nặng chỉ vì tranh chấp một phần diện tích nhỏ đất giáp ranh. Gần đây nhất, vào ngày 13-10 tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), đối tượng Đỗ Văn Đạt (sinh năm 1988) đã dùng dao chém 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.

Nguyên nhân xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự chủ yếu đến từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Cùng với đó là sự xuống cấp trong tình cảm thân tộc, xóm làng nên kéo theo hệ lụy đáng tiếc. Ông Trịnh Đình Đề (thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) cho biết: Trên địa bàn thôn, xã đã từng xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp đất đai khiến mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng trở nên khó giải quyết. “Nhiều khi chỉ mất cắp con gà, chiếc xe máy, những người từng là anh em, hàng xóm cũng tuyên bố từ mặt nhau, thậm chí sẵn sàng dùng vũ lực với nhau”, ông Trịnh Đình Đề nhìn nhận.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại địa bàn nông thôn của thành phố diễn ra nhanh chóng, bên cạnh những giá trị tích cực, cũng kéo theo những áp lực ngày càng lớn về an ninh, trật tự. Ông Lê Đình Hùng, Bí thư chi bộ thôn Hữu Lê (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) phản ánh: Tệ nạn xã hội len lỏi mạnh vào thôn quê khiến gia tăng các đối tượng nghiện hút, “ngáo đá”, trộm cắp… thuộc diện quản lý về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, các đối tượng này thường xuyên đi khỏi địa bàn, nên công tác nắm tình hình, quản lý còn nhiều khó khăn, lỗ hổng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện nay việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn gần như được “khoán trắng” cho lực lượng công an xã bán chuyên trách còn nhiều hạn chế trong nghiệp vụ. Trong khi đó, thành phố chưa thể bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an tại toàn bộ các xã. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, hòa giải tại cơ sở còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở

Thực tế nêu trên cho thấy, thời gian qua, hệ thống chính trị ở cơ sở có nơi, có lúc chưa phát huy tốt vai trò nắm bắt tình hình, nhất là những va chạm, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đây là vấn đề đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thẳng thắn chỉ ra, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn "điểm nóng" phát sinh ở cơ sở.

Công an xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) tuần tra kiểm soát an ninh, trật tự trên địa bàn.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Đào Kim Khánh cho biết, thời gian qua, chính quyền xã đã chỉ đạo duy trì 4 tổ tự quản tại 4 thôn, tổ chức tuần tra thường xuyên, liên tục tại các tụ điểm, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự; đồng thời triển khai mô hình “Khu dân cư không có người phạm pháp và tệ nạn xã hội”… 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chưa, Trưởng thôn Liên Hợp (xã Quảng Bị) chia sẻ: “Cấp ủy cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội trong thôn tham gia công tác hòa giải những mâu thuẫn nội bộ gia đình, giải quyết tranh chấp đất đai ngay từ khi mới phát sinh; giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, trong năm qua thôn không xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự”.

Tương tự xã Quảng Bị, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) từng được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, là “điểm nóng” về tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Do đó, xã là một trong những địa phương được Công an thành phố bố trí 6 công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã từ tháng 4-2019. Đại úy Trần Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Tiên Dược cho biết, từ tháng 4-2019 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 20 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2018. Đánh giá về việc này, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược Trịnh Văn Phúc cho rằng: Lực lượng công an chính quy không chỉ tích cực hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an viên bán chuyên trách làm tốt khâu phòng ngừa, quản lý địa bàn mà còn chủ động trong xác minh, giải quyết, truy bắt đối tượng khi xảy ra các vụ việc.

Từ thực tế xử lý tình hình vụ việc tại xã Đồng Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai đúc rút: Việc tuyên truyền, giải thích để người dân địa phương hiểu và chấp hành pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Để nâng cao công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn thành phố, tại Hội nghị lần thứ hai mươi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI trung tuần tháng 10 vừa qua, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã tham mưu Thường trực Thành ủy ban hành Nghị quyết chỉ đạo các cấp chính quyền, kêu gọi nhân dân cùng tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, với mục tiêu giữ vững an ninh, trật tự, vì Thủ đô bình yên để phát triển. Ngoài ra, Công an thành phố đang trình xem xét để đưa thêm lực lượng công an chính quy về 112 xã thuộc 17 huyện, thị xã trong thời gian tới…

Thực hiện yêu cầu trên, Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện nghiêm túc đối với lực lượng công an, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa bàn, cơ sở cần tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thực sự có hiệu quả, gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới.

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Từ giữa năm 2017 đến nay, gần 44% các vụ phạm pháp hình sự; hơn 60% các vụ trọng án trên địa bàn thành phố xảy ra ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, cố ý gây thương tích... xảy ra tại nông thôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ án trên toàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm ANTT tại khu vực nông thôn Hà Nội: Làm tốt việc phòng ngừa từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.