Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý rừng giáp ranh

Ngọc Quỳnh| 13/11/2019 06:38

(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với các tỉnh trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác lâm sản được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, do khu vực giáp ranh trải dài giữa các địa phương, lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc xử lý vi phạm còn hạn chế, đòi hỏi công tác phối hợp cần được tăng cường hơn nữa.

Thành phố Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với 8 tỉnh giáp ranh trong quản lý rừng, đất lâm nghiệp và hoạt động sản xuất - kinh doanh lâm sản.

Công tác quản lý bảo vệ rừng còn khó khăn

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có rừng giáp ranh với Hà Nội đã mang lại hiệu quả tích cực. Nguy cơ cháy rừng thấp, các điểm nóng về buôn bán lâm sản trái phép không còn nhiều; tình trạng xâm lấn và tranh chấp đất rừng ít xảy ra...

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn do khu vực giáp ranh trải dài giữa các địa phương. Về vấn đề này, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành cho biết, nhiều năm nay, Hà Nội rất khó giải quyết tình trạng tranh chấp, chồng lấn tại vị trí giáp ranh diện tích 61,7ha gồm 16 lô rừng phòng hộ tại khu vực Khe Xanh, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) với xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

Nói rõ hơn, ông Hoàng Văn Hào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, từ nhiều năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tình trạng chồng lấn đất rừng giữa các hộ dân.

Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm ở các vùng giáp ranh còn mỏng nên việc tuần tra, kiểm tra chưa được thường xuyên. Các khu du lịch sinh thái ngày càng được đầu tư mở rộng, thậm chí nằm trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Còn theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) Nguyễn Xuân Thạo, lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các chủ rừng vùng giáp ranh lấn chiếm đất rừng, chặt củi, đào cây cảnh, đào cây chè hoa vàng, lấy cây thuốc, bắt ốc vòi, săn bẫy chim thú... Đặc biệt, tình trạng mua bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp khu vực giáp ranh chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật...

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho rằng, một số địa phương ở khu vực giáp ranh chưa quan tâm chỉ đạo và phối hợp thường xuyên với lực lượng kiểm lâm nên hiệu quả các hoạt động chưa cao.

Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực giáp ranh chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phương tiện hỗ trợ cho việc tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng vùng giáp ranh cho lực lượng kiểm lâm hầu như không có...

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh, đồng thời ngăn chặn hiện tượng phá rừng, giảm các vụ cháy rừng, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ Đỗ Ngọc Đoàn, trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp với Hà Nội trong việc xử lý các vụ buôn bán trái phép lâm sản trên sông Đà và ở các xã giáp ranh; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, Phú Thọ tiếp tục phối hợp với Hà Nội trao đổi, cung cấp thông tin và thiết lập đường dây nóng, vận động nhân dân tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng...

Trong khi đó, ông Dương Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) nhấn mạnh, huyện Phổ Yên sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Hà Nội tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp cùng tuần tra, kiểm tra địa bàn quản lý để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, Hà Nội sẽ hoàn thiện và ký kết “Quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và quản lý lâm sản với các tỉnh giáp ranh, gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc”.

Đồng thời, Kiểm lâm Hà Nội đẩy mạnh việc phối hợp với các tỉnh tuần tra, kiểm tra và khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm Luật Lâm nghiệp sẽ thông tin để hạt kiểm lâm các địa phương kịp thời ngăn chặn.

Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân vùng giáp ranh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng; quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Có thể thấy, việc quản lý rừng giáp ranh có vai trò quan trọng để hạn chế những vụ chặt phá rừng, buôn bán trái phép lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ "lá phổi xanh" cho cuộc sống của người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý rừng giáp ranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.