Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả

Minh Vũ| 27/09/2020 06:29

(HNM) - Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nhóm giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng mối quan hệ cung - cầu về lao động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Dạy tiếng Nhật cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Minh Thắng

Đề cao chất lượng

Năm 2020, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Nội thông qua việc đưa họ đi làm việc ở nước ngoài được định hướng rõ tại Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 9-1-2020 của UBND thành phố. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng khai thác tối đa nhu cầu tuyển dụng lao động tại những thị trường truyền thống, thị trường mới... UBND thành phố cũng lưu ý các sở, ngành chức năng kiên quyết xử lý vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo…

Triển khai Kế hoạch số 08/KH-UBND, các địa phương đã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động, qua đó xác định toàn thành phố sẽ đưa khoảng 3.500 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng tần suất, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến nhiều xã, phường, thị trấn, giúp người dân hiểu đúng về chính sách để có hướng đi đúng, tránh bị lừa đảo, lợi dụng. Thông tin về các thị trường lao động liên tục được cập nhật, qua đó mỗi người có thể chủ động xây dựng kế hoạch… “xuất ngoại” cho phù hợp.

Anh Nguyễn Việt Quân, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) cho hay: “Qua thông tin phổ biến tại địa phương, chúng tôi được biết, sau thời gian tạm dừng xuất, nhập cảnh để phòng, chống dịch Covid-19, từ cuối tháng 7-2020, Nhật Bản cấp visa cho lao động Việt Nam với mục đích lao động, lưu trú dài hạn. Những công việc cần tuyển lao động là kinh doanh, quản lý; kỹ sư, trí thức điều dưỡng, lao động có trình độ cao… Để đáp ứng được những yêu cầu này, tôi đã đi học tiếng Nhật trước khi đăng ký ứng tuyển đi làm việc tại Nhật Bản”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sau khi kiểm tra và phát hiện ra sai phạm, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa có thông báo thu hồi giấy phép của Công ty cổ phần Nhân lực TTC Việt Nam (trụ sở chính tại tầng 3, tòa nhà Interserco, số 2 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và yêu cầu công ty này chấm dứt hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Trước đó, vào tháng 5-2020, Công ty cổ phần 3KS Nhân lực có văn phòng tại nhiều địa chỉ ở Hà Nội cũng bị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Để nắm bắt thông tin về người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất cho hay, toàn huyện thường xuyên có khoảng hơn 1.000 người làm việc ở nước ngoài. Hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện niêm yết công khai danh sách lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài tại những địa điểm đông người qua lại để người dân cùng theo dõi. Bằng cách này, trong những năm gần đây, huyện Thạch Thất không còn tên trong danh sách các địa phương bị cấm tuyển dụng hoặc hạn chế tuyển dụng người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc vì có nhiều người cư trú bất hợp pháp ở nước bạn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố. Đó cũng là cách các huyện Quốc Oai, Thường Tín, Đan Phượng… đã áp dụng đối với những người không chấp hành nghiêm các quy định khi ra nước ngoài làm việc.

Trao đổi về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, hiện nay, đa số người lao động trên địa bàn thành phố có nguyện vọng đi làm việc tại những thị trường uy tín, còn phía đối tác cũng ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ cả về tay nghề và ngoại ngữ. Vì thế, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng, thiết lập mối quan hệ cung - cầu về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.