Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước hết là kỷ cương...

Phúc Lợi| 01/03/2021 06:26

(HNM) - Năm 2021, thành phố Hà Nội xác định chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành tố “kỷ cương” được xác định và đặt lên trước hết khẳng định vai trò quan trọng của nó trong việc bảo đảm cho mọi mặt công tác của Thủ đô vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phát triển đột phá ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Hiểu tổng quát, “kỷ cương” là những phép tắc làm nên trật tự của một xã hội. Ở phạm vi quốc gia, địa phương, kỷ cương chính là hệ thống các quy định, quy phạm pháp luật và việc thực thi hệ thống quy định, quy phạm pháp luật đó. Ở phạm vi cơ quan, đơn vị, ngoài các quy định, quy phạm pháp luật, còn có thêm các quy chế, quy định nội bộ, cũng đòi hỏi các thành viên cơ quan, đơn vị đó tuân thủ. Và đi liền với việc không chấp hành “kỷ cương”,  đơn vị sẽ phải chịu “kỷ luật"  - gánh chịu trách nhiệm hành chính; còn với cá nhân, ngoài trách nhiệm hành chính thậm chí còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về chấp hành kỷ cương, kỷ luật. Một lần xe của Bác đến ngã tư thì đèn đỏ bật sáng, chiến sĩ cảnh vệ định đề nghị Công an giao thông bật đèn xanh vì sợ mọi người biết Bác ngồi trong xe sẽ ùa tới chào hỏi, gây tắc đường, nhưng Người nhắc nhở: Không được làm thế! Chủ tịch nước cũng phải tuân thủ quy tắc giao thông, không được tạo đặc quyền... Người lãnh đạo tối cao nghiêm chỉnh như vậy, đương nhiên cấp dưới cũng không ai có quyền và dám cho phép mình bỏ qua kỷ cương, phép nước.

Khi cả nước đổi mới, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh nhiều giá trị tích cực cũng xuất hiện không ít tác động tiêu cực. Việc giữ kỷ cương ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như toàn xã hội đã có nhiều biểu hiện phức tạp, bất cập. Ví như trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm; không ít cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân… Chính sự “không nghiêm” về kỷ cương, kỷ luật vừa làm giảm sức mạnh, vừa giảm sút uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, dù đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong giai đoạn vừa qua, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kỷ cương, kỷ luật có lúc, có nơi còn lỏng lẻo để rồi dẫn đến vi phạm. Điển hình, là vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực hay quá trình thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, Nguyễn Khánh Toàn… đã gây bức xúc dư luận, phải mất nhiều năm mới xử lý dứt điểm, cùng với đó là một số cán bộ phải chịu kỷ luật. Đây cũng là những “điểm yếu” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Đây được coi là một giải pháp then chốt trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Để có kỷ cương, trước hết cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuẩn mực, ổn định, có tầm nhìn xa; cùng với đó, bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật đồng thời với giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Muốn vậy, giải pháp mang tính lâu dài là thực hiện tốt hơn, đều hơn việc tuyên truyền giáo dục để mọi đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thủ đô “thấm sâu, ở lâu” trong mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa tới từng gia đình, từng cộng đồng dân cư nơi cán bộ, đảng viên sinh sống, công tác. Từ sự chuyển biến về nhận thức, sẽ dần hình thành nếp kỷ cương trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Tại đơn vị, địa phương cũng cần đẩy mạnh việc thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch; qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác gương mẫu đi đầu trong việc làm cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kiên quyết chống mọi biểu hiện lệch lạc, lơi lỏng, xâm hại kỷ cương, kỷ luật.

Với mỗi công dân Thủ đô, giữ kỷ cương chính là gương mẫu, chủ động chấp hành mọi quy định của pháp luật, của địa phương, quan tâm kiểm tra, giám sát mỗi cán bộ, đảng viên quanh mình, cùng chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa...

Khi nói về chủ đề công tác năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, chủ đề công tác trước hết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nếu không giữ được "kỷ cương", thì không có căn cứ để làm rõ và phát huy "trách nhiệm", càng không thể có được "hành động" tích cực, "sáng tạo" hướng đến "phát triển".

Thực vậy, có phép tắc mới xác lập được trật tự, có trật tự mới có thể định hướng, dẫn dắt một quốc gia, một địa phương hay một đơn vị đi đến những mục tiêu cao xa. Bằng việc đặt lên trước hết vấn đề "kỷ cương", không riêng Hà Nội mà cả đất nước ta đang tạo điều kiện căn bản nhất để phát huy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực xây dựng cho được một Thủ đô văn minh và giàu đẹp, một Việt Nam phồn vinh và hùng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước hết là kỷ cương...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.